Quảng Ninh: Nâng cao nhận thức đảm bảo an toàn thực phẩm

Sau sự việc 33 học sinh trường tiểu học Quang Hanh có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, việc giám sát quy trình cung cấp suất ăn tại nhà trường đã được tăng cường.

 

Dù đã có nhiều biện pháp quản lý được tăng cường nhưng nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn tiềm ẩn, nhất là tại các bếp ăn tập thể hay cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Khoảng 11 giờ ngày 27/3, sau khi ăn cơm trưa tại trường, một số học sinh của trường Tiểu học Quang Hanh (phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả) có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Nhà trường đã đưa các học sinh đến Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả để kiểm tra, theo dõi.

Quảng Ninh phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND thành phố Cẩm Phả đã chỉ đạo các đơn vị liên quan có chuyên môn lên phương án xác minh, làm rõ nguyên nhân sự việc; đồng thời theo dõi sức khỏe nhằm ổn định tâm lý cho học sinh và các bậc phụ huynh. May mắn, có 33 học sinh (trên tổng số 811 học sinh ăn bán trú) của trường không có biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng.

Sau sự việc 33 học sinh trường tiểu học Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, việc giám sát quy trình cung cấp suất ăn tại nhà trường đã được tăng cường. Bà Lương Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Hanh cho biết: "Nhà trường yêu cầu cơ sở tăng cường công tác đảm bảo ATVSTP cho học sinh, đảm bảo định lượng bữa ăn và thường xuyên thay đổi phù hợp với các con. Nhà trường cũng tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh giám sát bữa ăn hằng ngày để đảm bảo thức ăn vừa ấm nóng và an toàn thực phẩm (ATTP)".

Theo các chuyên gia, để đảm bảo ATTP, điều quan trọng là ý thức, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi nhập nguyên liệu đầu vào và khi thực hiện sơ chế theo quy trình khép kín. Ông Đoàn Thành Trung, một đơn vị cung cấp suất ăn chia sẻ: "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là ATVSTP. Do vậy, khâu quan trọng nhất phải đảm bảo là thực phẩm đầu vào phải có hóa đơn, có mã vạch, có nguồn gốc. Tất cả khu sơ chế, chế biến đến công đoạn chia đồ phải khép kín, không có bụi bẩn và côn trùng".

Tháng hành động vì ATTP năm nay, Quảng Ninh tập trung vào chiến dịch truyền thông cao điểm nhằm thay đổi hành vi về ATTP của người dân và các chủ cơ sởNâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng

Ngành Y tế Quảng Ninh hiện đang quản lý hơn 10.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có những cơ sở cung cấp suất ăn cho các trường học. Phần lớn các cơ sở thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình và lấy nguồn thực phẩm trên địa bàn tỉnh để chế biến. Trong 3 năm (2021-2023), các đoàn chuyên ngành, liên ngành của Hạ Long đã thực hiện kiểm tra, thanh tra hơn 7.500 cơ sở; phát hiện và xử phạt gần 330 cơ sở vi phạm về quy định ATTP; còn tại thành phố Móng Cái kiểm tra hơn 2.100 lượt cơ sở, xử lý 184 trường hợp chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện VSATTP, tiêu hủy nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn.

Tháng hành động vì ATTP tại Quảng Ninh được phát động đúng cao điểm của du lịch hè với chuỗi sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, thu hút hàng nghìn du khách. Ông Lưu Đức Dũng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP Quảng Ninh cho biết: Ban tổ chức sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là trách nhiệm và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương và đảng viên. "Trong kế hoạch của tháng hành động có thành lập ra 3 ngành thường trực là Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Sở Công Thương chủ trì. Với cấp huyện và cấp xã cũng có ban chỉ đạo chứ không chỉ có cấp tỉnh và kiểm tra cả cơ sở thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Chúng tôi cũng làm việc với Ban chỉ đạo cấp xã để chỉ ra những việc được và chưa được để cùng nâng cao nhận thức về ATTP", ông Dũng cho hay.

Để đảm bảo VSATTP, ngoài sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước thì mỗi cơ sở kinh doanh và người dân cũng cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng. Ông Lưu Đức Dũng cho rằng: "Không chỉ đơn thuần là các bếp ăn, tại các trường học mà các cấp, các địa phương cần quan tâm tới các cửa hàng tạp hóa bán bánh kẹo, thực phẩm, đồ ăn nhanh xung quanh trường học. Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra và ngành y tế cũng chỉ đạo các tuyến huyện kiểm tra đúng theo quy định về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, còn hạn sử dụng hay không và xử lý nghiêm những vi phạm...".

Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Quảng Ninh vừa phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” tại Quảng Ninh kéo dài từ 15/4 đến 15/5/2024 với 3 mục tiêu cơ bản: đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Vũ Miền

 

Bình luận

    Chưa có bình luận