Đắk Lắk: Cơ sở y tế quá tải do số người mắc sốt xuất huyết tăng mạnh

Mới nửa đầu mùa mưa nhưng số người mắc SXH tại tỉnh Đắk Lắk tăng cao bất thường với hơn 8.000 ca, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

 

Số người mắc sốt xuất huyết (SXH) gia tăng đột biến, tỷ lệ ca bệnh nặng tăng cao khiến các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải. Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên, các phòng đều chật kín bệnh nhân. Dọc hành lang, nhiều giường bệnh được kê thêm cho những bệnh nhân mắc SXH.

Anh Quách Xuân Phong, 45 tuổi, nhà ở Thôn 3, xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar, là một trong những bệnh nhân nặng đã dần hồi phục sau 5 ngày điều trị tích cực. Anh Phong cho biết: “Trước đó tôi đã điều trị ở BV huyện và đã cắt sốt rồi, nhưng do tiểu cầu tụt quá nên BV huyện chuyển tôi lên đây để truyền tiểu cầu. Đến nay sức khỏe cũng đã ổn định”.

Bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm giường xếp ngoài hành lang.Bệnh nhân tăng cao, cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nên các bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân phải chen chúc nhau từ trong phòng bệnh ra đến các lối đi và cả khu vực cầu thang. Từ xã Đăk Rla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên chăm người nhà bị bệnh SXH, anh Nguyễn Văn Kha thấy choáng vì lượng bệnh nhân ở đây quá đông.

 “Tôi lên đây được 6 ngày rồi, thấy cảnh người nhà đưa bệnh nhân lên đây nhiều, khiến bệnh viện lúc nào cũng quá tải. Thậm chí có giường nằm ghép 3 bệnh nhân. Có bệnh nhân không có giường nằm, phải tự mua giường gấp kê ở các hành lang. Còn người thì phải nằm ra cả các cầu thang”, anh Nguyễn Văn Kha chia sẻ.

Thống kê của Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, Khoa đã tiếp nhận, điều trị cho trên 1.700 ca mắc SXH. Hiện trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 30-40 bệnh nhân mắc SXH, cao điểm có ngày gần 90 ca. Điều đáng nói, 2/3 số ca nhập viện trong tình trạng cảnh báo, sốc, huyết áp giảm, suy đa tạng. Bác sĩ H’Noen H’Đớk, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BVĐK Vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh nhân nhập viện ồ ạt, mà lực lượng cán bộ y tế có hạn đã khiến cho khoa luôn trong tình trạng quá tải.

“Tình trạng bệnh nhân vào viện tăng nhất là trong 2 tháng gần đây. Những BN nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiểu cầu giảm nặng, suất huyết nặng… là quá sức với 2 bác sĩ trực và 3 điều dưỡng. Khó khăn nhất hiện nay của khoa, phòng là thiếu giường, không có giường vì bệnh nhân vô quá tải. Hiện nay bệnh viện đã cấp thêm cho khoa 100 cái giường xếp để có giường nằm cho bệnh nhân tạm thời”, bác sĩ H’Noen H’Đớk cho hay.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 31/7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 8.000 trường hợp mắc SXH. Bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại một số địa bàn trọng điểm gồm thành phố Buôn Ma Thuột với hơn 3.100 ca, tiếp đến là các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Cư M’gar. Đặc biệt, chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do SXH.

Bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép giường bệnh vì bệnh viện quá tải.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống dịch, mới đây nhất, Sở Y tế Đăk Lăk đã tổ chức hội nghị chuyên môn để các chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện trong toàn tỉnh thảo luận, phân tích diễn tiến, nguyên nhân và tìm ra các biện pháp để hạn chế thấp nhất số mắc mới cũng như tử vong do SXH. Công tác thu dung, cấp cứu và điều trị cho người bệnh cũng được các bệnh viện tích cực triển khai. Ths.Bs Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết, để giải quyết vấn đề quá tải ở các bệnh viện, trước mặt, Sở y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên dành 4 khoa để điều trị bệnh nhân SXH. Đồng thời làm công văn xin Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí bổ sung 500 giường bệnh để phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân SXH.

“Sở Y tế cũng đã chỉ đạo cho Bệnh viện Vùng điều động nhân sự của tất cả các khoa khác, đồng thời sử dụng khoa xét nghiệm để tập trung vận động hiến máu tình nguyện, thu gom máu, chuẩn bị sẵn về máu, huyết tương tươi, tiểu cầu, hồng cầu cho việc điều trị bệnh nhân. Chúng tôi chuẩn bị thuốc men tất cả mọi thứ. Chúng tôi cũng có phương án trong trường hợp dịch SXH tiếp tục như thế này thì có thể sẽ đến phương án việc nâng cao khả năng điều trị các bệnh viện có đông bệnh nhân; vấn đề thứ hai là có thể chúng tôi sẽ thiết lập bệnh viện dã chiến để điều trị riêng về SXH.

Cùng với việc tăng cường công tác điều trị, hạn chế số ca bệnh chuyển nặng và tử vong do SXH, công tác dự phòng cũng được đẩy mạnh nhằm khống chế không cho dịch bệnh lan rộng. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, biện pháp lớn nhất là tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên toàn tỉnh.

“Trước vấn đề này thì đã có cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch để bàn về việc này và đã đưa ra những biện pháp mà biện pháp lớp nhất là sẽ tiến hành chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy trên toàn tình, chiến dịch này sẽ bắt đầu từ tháng 8 và kéo dài đến hết năm. Thứ hai là phải tăng cường cán bộ xuống các xã để xử lý dứt điểm các ổ nhỏ, các ổ trọng điểm, thứ ba là phun chủ động ở những nơi có nguy cơ cao, đặc biệt là những điểm có số lượng bệnh nhân tăng, hoặc là các chỉ số loăng quăng, chỉ số muỗi cao và tiếp tục tăng cường tập huấn truyền thông để cho người dân làm sao biết cách tự bảo vệ mình, đặc biệt trong đó là làm sao người dân phải xử lý được môi trường của mình không có vị trí nước đọng, không có dụng cụ chứa nước, đặc biệt đối với nước mưa”, Bác sĩ Phạm Văn Lào cho hay.

Cán bộ Y tế tuyên truyền về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân.

Theo nhận định của  ngành Y tế, những tháng tới, dịch SXH sẽ tiếp tục gia tăng. Việc điều trị bệnh nhân hay phun hóa chất diệt muỗi, cũng chỉ là phần ngọn. Công sức, nỗ lực của ngành Y tế sẽ chỉ thực sự đạt hiệu quả khi các cấp, ngành, địa phương và người dân chung tay triển khai các biện pháp phòng chống dịch tận gốc, đó là vệ sinh môi trường, chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận