Ngành Y TP.Hồ Chí Minh: Nỗ lực vì sức khỏe người dân

Trước nhiều áp lực trong công tác khám chữa bệnh… cần có sự đầu tư bài bản cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là công tác giám sát, đánh giá chất lượng.

 

Trước nhiều áp lực trong công tác khám chữa bệnh như hội nhập, dân số, biến đổi môi trường, dịch bệnh… cần có sự đầu tư bài bản cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là công tác giám sát, đánh giá chất lượng.

Hành động thực chất

Những năm gần đây, ngành y tế trên cả nước nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Nhất là cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh, thủ tục, dịch vụ, bảo hiểm y tế… tại các bệnh viện được đổi mới, nhận được sự đánh giá cao từ phía người dân.

Những năm gần đây, ngành y tế trên cả nước nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân

Tính riêng trên địa bàn TPHCM, năm 2019 vừa qua, ngành y tế đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Số lượt khám chữa bệnh hơn 50 triệu lượt, tăng hơn 10% so với năm 2018. Số lượng đội ngũ bác sĩ được nâng cao đạt tỷ lệ khoảng 99%/10.000 dân. Trong năm, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt, nhờ đẩy mạnh đầu tư kỹ thuật chuyên sâu; ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công trực tuyến, đăng ký khám chữa bệnh, hồ sơ bệnh án điện tử…

Hiện, thành phố có 17 bệnh viện đã có các ứng dụng y tế thông minh, phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Theo đó, kết quả đánh giá chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố năm 2019 mới đây cũng tăng hơn so với năm 2018. Nếu năm 2018, trong tổng số 110 bệnh viện cấp thành phố, quận/huyện, tư nhân và bộ ngành, có 12 đạt mức chất lượng tốt – tức có điểm trung bình từ 4 trở lên thì năm 2019 là 20 bệnh viện. Trong đó, có 8 bệnh viện trên 50% số tiêu chí đạt mức điểm 5. Đặc biệt, có 3 bệnh viện cấp quận, huyện được đánh giá chất lượng tốt như bệnh viện Quận Thủ Đức, Quận 11 và bệnh viện quận 2.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết: “Bệnh viện có tiến hành khảo sát hài lòng của bệnh nhân Nội trú, được tổ chức hàng tuần, thấy tỷ lệ có tăng lên. Đối với bệnh nhân Ngoại trú, mình có máy khảo sát không hài lòng của Sở Y Tế. Sẽ giảm xuống thời gian phát thuốc bảo hiểm y tế, thời gian còn kéo dài quá, để khắc phục mình mở rộng phát thuốc BHYT, tăng số lượng người lên. Xem các quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm quy trình phát thuốc, rút ngắn thời gian lại… Để mình phát hiện cái gì thiều sót rồi khắc phục”.

Hệ thống ki-ốt khảo sát mức độ hài lòng tại bệnh viện. Ảnh: VOH

Tuy nhiên, vẫn còn 6 bệnh viện có số điểm đánh giá chất lượng thấp và chưa hài lòng người dân. Sở Y tế thành phố cũng thừa nhận, một số bệnh viện vẫn còn thiếu nhân lực chuyên trách, chưa chú trọng phát triển chuyên môn kỹ thuật, thái độ phục vụ chưa tốt, khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ khám bệnh còn chậm và bất tiện...

Từ kết quả này, bác sĩ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi kiến nghị, các bệnh viện, cơ sở y tế cần bám sát khâu theo dõi, đánh giá những mặt được và chưa được từ người dân, để kịp thời khắc phục.

“Không hài lòng thường là do khám bệnh chờ đợi lâu, khâu thanh toán, thủ tục bảo hiểm y tế, yêu cầu ký thanh toán theo quy định, khám chờ lâu trong khi cơ sở y tế thì quá tải. Người ta phản ánh xong thì mình phải rà soát lại các quy trình, bước nào mình bỏ qua được, cải thiện được. Mình mở hộp thư góp ý ra xem. Khen cũng có, góp ý cũng có, cái nào tốt thì mình phát huy, cái nào không tốt hay những góp ý của bệnh nhân phù hợp thì xem chấn chỉnh liền. Nếu người ta có để lại số điện thoại thì mình phản hồi lại. Càng nhận nhiều ý kiến đánh giá của người ta càng tốt, đề càng ngày khắc phục mình hơn.” bác sĩ Hồ Hải Trường Giang nhấn mạnh.

Để nâng cao công tác khám chữa bệnh, theo PGS. TS Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y Tế TPHCM cho biết: “Căn cứ kết quả không hài lòng mà chúng tôi giám sát tại các bệnh viện xem đã tìm ra nguyên nhân gì chưa và đã cải tiến chưa? Theo chúng tôi, dưới góc độ quản lý, đây là hoạt động có lợi cho các bệnh viện, chứ không phải thi đua, đem các bệnh viện không hài lòng cao ra để phê bình, mà căn cư vào đó để bệnh viện xác định xem nguyên nhân là gì, trong tầm bệnh viện có cải tiến được hay không, hoặc là phải đề xuất lên Sở những chuyện gì”.

Như vậy, bên cạnh việc xây dựng các đề án, đầu tư cơ sở trang thiết bị, bổ sung nhân lực thì nâng cao quản lý trong giám sát, đánh giá chất lượng hàng năm cũng cần được chú trọng. Việc đánh giá này không chỉ đáp ứng sự hài lòng của người dân, nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các bệnh viện, mà còn góp phần đưa ngành y tế tiếp tục đạt mục tiêu hướng đến xây dựng y tế thông thông minh.

Vì sự hài lòng của người dân

3 năm trở lại đây, ngành y tế TP.HCM đều đạt trên 80% kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên, trước nhiều áp lực trong công tác khám chữa bệnh như hội nhập, dân số, biến đổi môi trường, dịch bệnh… cần có sự đầu tư bài bản cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là công tác giám sát, đánh giá chất lượng.

Trong những năm vừa qua, khi Bộ Y tế phát động phong trào thi đua trong ngày là “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp”, nhiều bệnh viện trong cả nước đã có sự thay đổi mà có người ví như sự “lột xác”, trong đó có nhiều bệnh viện tại Tp Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân đông được nhận định là nguyên nhân gia tăng mức độ không hài lòng với dịch vụ khám bệnh.

Các bệnh viện không chỉ tập trung cho việc mua sắm trang thiết bị hiện đại, phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân mà còn thể hiện sự chu đáo, ân cần trong khâu đón tiếp, phục vụ và chăm sóc bệnh nhân, trong đó có việc giảm bớt nhiều khâu thủ tục hành chính rườm rà, hướng trọng tâm đến quá trình hiệu quả trong khám và điều trị. Cầu thị và tôn trọng, lắng nghe mong muốn của bệnh nhân.

Thật xúc động khi một số bệnh viện ở TP đông dân nhất cả nước này như BV Ung Bướu, BV Nhi Đồng, cảm thông với sự đi lại, vất vả của người dân, các đơn vị tổ chức khám bệnh từ 5 giờ sáng; nhiều y bác sĩ ở xa chấp nhận ngủ lại qua đêm để hôm sau phục vụ bệnh nhân sớm nhất.

Cũng hướng tới sự hài lòng của người bệnh, nhiều bệnh viện áp dụng các sáng kiến cụ thể, chi tiết thể hiện sự quan tâm chu đáo đến từng nhu cầu hàng ngày của bệnh nhân khi phải đến bệnh viện như việc sắp xếp nghế ngồi chờ đầy đủ,thoáng mát; phục vụ Wifi, khu vực sạc pin dự phòng miễn phí; nhân viên y tế luôn thể hiện sự thân thiện qua từng cử chỉ, nụ cười.

Đặc biệt mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã cho t đời trung tâm điều hành y tế thông minh hướng tới kết nối với các chuyên gia bác sĩ hàng đầu trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc quốc gia, giúp chuyển giao các công nghệ hiện đại tiên tiến trong khám và điều trị cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành y tế thành phố.

Hơn 1 tháng qua, với sự tận tâm tận lực và sự đồng thuận của toàn xã hội, đội ngũ thầy thuốc TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đã góp phần mang tính quyết định đến việc phòng ngừa và đẩy lùi dịch vi rút Corona- Covid 19 ngay khi vừa phát hiện. Những bác sĩ ở tuyến đầu phòng chống dịch và cả đội ngũ ngành y hiện đang ngày đêm lăn xả với công việc, không nề hà hiểm nguy gian khó hướng tới mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách. Ngành y, trong đó có y tế dự phòng thực sự đang là trụ đỡ và tạo ra sức đề kháng hiệu quả cho người dân trong giai đoạn dịch dã căng thẳng như hiện nay.

Rõ ràng khi đất nước càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân lại tăng cao; ngành y mà cụ thể ở đây là mỗi cơ sở y tế, bệnh viện muốn tồn tại và phát triển phải cải thiện hơn nữa chất lượng khám và điều trị.

Chưa kể dịch Covid 19 hiện còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa được khống chế hoàn toàn. Về lâu dài trong đời sống trong nước và quốc tế còn xuất hiện nhiều dịch bệnh mới khó đoán định. Đội ngũ thầy thuốc Việt Nam vì thế sẽ tiếp tục đứng trước những thách thức rất lớn.

Hiện nay với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân, ngành y cả nước đã chuyển động theo nhịp sống của thời đại bằng những tiêu chí cụ thể ở từng đơn vị, bệnh viện và từng cán bộ công nhân viên trong ngành.

Vấn đề còn lại là sự vào cuộc hành động thực chất của toàn bộ ngành trên cơ sở đánh giá của người bệnh ở từng nơi từng con người cụ thể trong suốt quá trình tìm đến các cơ sở y tế khám và điều trị bệnh. Tin rằng với truyền thống” Lương y như từ mẫu” đội ngũ thầy thuốc Việt Nam lại tiếp tục lao động cần mẫn, sáng tạo, xây đắp niềm tin trong nhân dân về một một nền y tế tiên tiến, hiện đại và đầy tính nhân văn ưu việt trong thời gian tới./.

Theo: vovgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận