Hội các cô dâu Việt tại Nam Ninh, Trung Quốc: Nỗ lực truyền dạy tiếng Việt cho con

  • 12/02/2021 01:51:08
  • Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh
  • Thế giới
  • 0

Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và truyền dạy tiếng Việt cho thế hệ sau là những nỗ lực của hội các cô dâu Việt tại Nam Ninh, Trung Quốc.

 

Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và truyền dạy tiếng Việt cho thế hệ sau là những nỗ lực của hội các cô dâu Việt tại Nam Ninh, Trung Quốc.

Nói đến cô dâu Việt tại Trung Quốc, hẳn không ít người sẽ nghĩ đến các trường hợp trình độ học vấn không cao, bị lừa bán sang làm dâu, bị nhà chồng ngược đãi, cuộc sống khó khăn và cần được giải cứu. Tuy nhiên, tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, có một hội các cô dâu Việt, thành viên là những phụ nữ Việt Nam có tri thức, luôn quan tâm cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn và nỗ lực truyền dạy tiếng Việt cho thế hệ sau.

Con gái Hương tập viết chữ tiếng Việt

Tập hợp của những phụ nữ có tri thức

Nguyễn Thị Thu Hương, người Hải Phòng, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kinh tế, là Chủ tịch Hội các cô dâu Việt tại Nam Ninh. Cô sang đây từ năm 2006, kết hôn với một người Trung Quốc, có một cô con gái và hiện đang làm việc cho một công ty đa quốc gia.

Hương cho biết, hội thành lập năm 2012, với mục tiêu ban đầu là kết nối các chị em xa nhà, lấy chồng và sinh sống tại Nam Ninh, nhằm tạo không khí đầm ấm, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người Việt ở nước ngoài. Lúc đầu hội chỉ có khoảng 5 - 7 người, đến nay số thành viên đã tăng lên khoảng 60 người, chủ yếu là các cô dâu trẻ. Thành viên lớn tuổi nhất trong hộisinh năm 1970 và nhỏ nhất sinh năm 1993. Đa số các chị em đều có trình độ đại học, thạc sĩ, trong đó gần chục người có trình độ tiến sĩ. Một sốngười trong số họ vẫn đang theo học nghiên cứu sinh, số còn lạigiảng dạy tại các trường đại học, làm cho các công ty hoặc tự mở công ty, cũng có người chỉ làm nội trợ. Đa phần trong số họ lấy chồng tự nguyện, chỉ có một hai trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc và có hoàn cảnh khó khăn.

Từ khi thành lập đến nay, hội đã gây quỹ để tổ chức các hoạt động cộng đồng, gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau khi ốm đau hay lúccó việc hiếu, hỷ.

Thành viên hội tổ chức gặp gỡ nhân ngày 20/10/2020

Hàng năm vào những ngày lễ lớn, các thành viên của hội đều tổ chức hoạt động, như gặp mặtvào dịp Tết, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu... Mục đích là để chị em thăm hỏi, động viên, quan tâm đến nhau và con em họ được sống trong môi trường tiếng Việt,hòa mình vào cộng đồng những người Việt ở xa Tổ quốc.

Bên cạnh đó, hội cũng tổ chức các hoạt động quyên góp, hoặc tham gia các chương trình do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh phát động, cũng như đóng đóp vào các hoạt động từ thiện thông qua các mối quan hệ với doanh nghiệp trong nước.

Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn

Hương chia sẻ: “Hỗ trợ các thành viên không may mắn là một phần công việc quan trọng của hội và được chị em nhiệt tình ủng hộ”.Hương kể:“Vài năm trước, chị Q, một thành viên trong hội có conốm nặng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất sớm, hội đã tổ chức quyên góp và thay phiên nhau chăm sóc khi con chị nằm viện. Lúcconchị không may qua đời, chị em trong hội đã đứng ra hỗ trợ toàn bộ thủ tục mai táng như những đại diện của gia đình nhà gái”.

Nguyễn Thị Thu Hương trả lời phỏng vấn của VOV

Trong năm 2020, một trường hợp khó khăn khác cũng đã được hỗ trợ kịp thời bởi một số hội nhóm người Việt tại Trung Quốc, trong đó có Hội các cô dâu Việt tại Nam Ninh.

Đó là trường hợp N.T.H lấy chồng ở Phúc Kiến. Do bị chồng đánh đập, H đã bỏ trốn và lưu lạc lên tận tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh trong khi đã có bầu. Do thai để quá ngày, khi sinh cháu bé bị mắc bệnhhiểm nghèo. Hương đã cùng các thành viên trong hội tích cực liên hệ với chị em người Việt sở tại, quyên góp một số tiền lớn, hỗ trợ viện phí giúp cháu bé hồi phục và khỏe mạnh.

Nỗ lực dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai

Việc dạy tiếng Việt cho các con của thành viên là điều mà Hương và Hội các cô dâu Việt tại Nam Ninh luôn nỗ lựcthực hiện và duy trì.

Hương kể, cách đây vài năm, khi các con còn nhỏ tầm 4,5 tuổi, chị em tại đây đã duy trì được một lớp học tiếng Việt trong khoảng 1 năm. Các mẹ thuê phòng học và thay nhau làm cô giáo đứng lớp. Mặc dù trong hội có không ít chị em là giáo viên tiếng Việt tại các trường đại học ở Nam Ninh, nhưng tất cả các mẹ đều cố gắng lên lớp để các con có thể kết hợp giữa học và chơi, giúp kiến thức thẩm thấu dễ dàng hơn. Việc tổ chức các hoạt động cộng đồng vào mỗi dịp lễ Tết với quy định “bắt buộc phải nói tiếng Việt” cũng giúp các con duy trì vốn tiếng mẹ đẻ cơ bản vàxây dựng mối quan hệ với nhau, để luôn nhớ về nguồn cội, rằng mình mang dòng máu Việt Nam.

Hội các cô dâu Việt tại Nam Ninh tham gia hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước

Tuy nhiên, lớp học đã phải dừng lại khi các con bước vào lớp 1, áp lực học hành ngày càng tăng. Nhưng các chị em trong hội vẫn cố gắng duy trì việc tự dạy tiếng Việt cho các con.

Hương vui vẻ khoe: “Thỉnh thoảng emvẫnđăng các video con đọc tiếng Việt vào nhóm, đểnhắc nhở chị em đây là việc cần làm và phải làm. Chị em hưởng ứng ngay. Đến nay, con em không chỉ nói được, mà còn có thể đọcđược và đang học viết bằng tiếng Việt”.

Hội các cô dâu Việt tại Nam Ninh đã đóng góp không nhỏ vào các hoạt động chung của Tổng lãnh sự quán ở sở tại, góp phần phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ người Việt.

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây là một trong những địa phương có nhiều công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc nhất ở Trung Quốc. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 20.000 bà con người Việt lấy chồng ở sở tại, khoảng 4.000 lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục ở Quảng Tây. Ngoài ra, còn có không ít bà con đang sinh sống và làm việc tại địa phương này từ những năm tháng trước đây.

Với số lượng người Việt tại Quảng Tây, trong đó có Nam Ninh (thủ phủ của Quảng Tây) đông đảo như vậy, việc các hội nhóm thành lập và hoạt động hiệu quả, quy củ, chất lượng cao như Hội các cô dâu Việt tại Nam Ninh do Nguyễn Thị Thu Hương làm Chủ tịch đã có những đóng góp không nhỏ vào các hoạt động chung của Tổng lãnh sự quán ở sở tại, hỗ trợ phần nào công tác bảo hộ công dân, cũng nhưgóp phần phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ người Việt, đặc biệt là giới trẻ tại địa bàn./.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận