Chính sách 'Nước Mỹ trở lại' sẽ giúp Tổng thống Biden khôi phục vị thế của Mỹ?

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã có sự thay đổi quan điểm về vai trò và cách tiếp cận trong các mối quan hệ quốc tế.

 

Điều này có thể thấy rõ qua những động thái tích cực gần đây của chính quyền ông Joe Biden. Từ cuộc thảo luận trực tuyến của nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cho tới cuộc gặp trực tuyến các nhà lãnh đạo G7 diễn ra vào cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “trình làng” thông điệp chính thức về tái gắn kết với cộng đồng quốc tế và các tổ chức toàn cầu, sau những chia rẽ do chính sách “Nước Mỹ trên hết” dưới thời ông Donald Trump.

Và trước đó, thực thi tuyên bố “nước Mỹ trở lại”, Tổng thống Joe Biden cam kết tài trợ tiền cho chương trình phân phối vaccine của WHO, tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa ra gói kích cầu 2.000 tỷ USD không chỉ tác động tới kinh tế Mỹ mà cả toàn cầu...

Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Tổng thống Joe Biden đang chứng minh cho cộng đồng thế giới, nhất là các đồng minh và đối tác, rằng những cam kết mà ông đã đưa ra trong suốt chiến dịch vận động tranh cử và kể từ khi lên nắm quyền hôm 20/01 gắn liền với hành động thực tế, chứ không phải là những lời hứa “sáo rỗng”.

Bằng chứng cụ thể là chính quyền Tổng thống Biden đã chính thức đưa nước Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Nga; tham gia trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với tư cách là quan sát viên; tiếp tục tham gia và tài trợ kinh phí cho Tổ chức Y tế Thế giới; sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán với Iran và các thành viên còn lại trong Nhóm P5+1 để tham gia trở lại Thỏa thuận Hạt nhân Iran, thường biết đến dưới tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA); chấm dứt hậu thuẫn cho quân đội Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất trong cuộc chiến của lực lượng liên quân này chống lại nhóm Houthi ở Yemen…

Đáng chú ý, ông Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đại diện đặc biệt của Tổng thống về chống biến đổi khí hậu, một chức vụ hoàn toàn mới và tương đương với một vị trí trong Nội các. Chính phủ mới ở Mỹ còn cam kết đóng góp tổng cộng 4 tỉ USD cho cơ chế COVAX nhằm cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Dù phải tập trung giải quyết hàng loạt các ưu tiên, thách thức trong nước, Tổng thống Biden vẫn dành thời gian tham dự và phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 và Hội nghị An ninh Munich, diễn đàn an ninh hàng năm lớn nhất thế giới. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden cũng đã tiến hành hàng loạt các cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, cũng như lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Mục đích của các cuộc điện đàm không đơn thuần là “màn chào hỏi” của tân Tổng thống Mỹ và thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, mà còn nhằm tìm kiếm giải pháp chung cho các vấn đề cấp bách toàn cầu và khu vực như đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu, hay cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar.

Theo tôi, tất cả các bước đi ban đầu song kịp thời của chính quyền Tổng thống Biden sẽ tạo hiệu ứng tích cực đối với cục diện hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời khích lệ các nước cùng tham gia vào nỗ lực chung để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực. Những bước đi đó cũng là minh chứng rõ nét cho chính sách đối ngoại “Nước Mỹ đã trở lại” của Tổng thống Biden.

Mục đích của chính sách “Nước Mỹ trở lại”

“Nước Mỹ đã trở lại” là thông điệp xuyên suốt trong bài phát biểu chính thức đầu tiên của Tổng thống Joe Biden về chính sách đối ngoại, nhân chuyến thăm và làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris hôm 04/02.

Tại đây, Tổng thống Biden cam kết về một kỷ nguyên mới đối với nước Mỹ và khẳng định nước Mỹ sẽ cạnh tranh từ một vị thế có sức mạnh bằng cách tái thiết trong nước, hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời đổi mới vai trò của Washington trong các định chế quốc tế, giành lại uy tín và quyền lực đạo đức của mình.

Bài phát biểu thể hiện rõ sự khác biệt so với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Donald Trump, mà ông Biden thường chỉ trích là đã khiến nước Mỹ trở nên “đơn độc”. Theo đó, trọng tâm trong trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden đó là “hàn gắn” các quan hệ đồng minh vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng dưới chính quyền tiền nhiệm.

Tổng thống Biden khẳng định, quan hệ đồng minh là một trong số tài sản quý giá nhất của nước Mỹ, đồng thời cam kết Washington sẽ sát cánh với các nước đồng minh và đối tác để hợp sức giải quyết các thách thức chung của nhân loại như chống biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Ông Biden nêu rõ: “Nước Mỹ đã trở lại và ngành ngoại giao đã trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và nước này sẽ xây dựng lại các liên minh và can dự với thế giới một lần nữa”.

Có thể nói rằng chính sách “Nước Mỹ đã trở lại” của ông Biden là nhằm khôi phục uy tín và vị thế quốc tế của Mỹ trên trường quốc tế đã “bị bào mòn” trong bốn năm dưới chính quyền tiền nhiệm.

Phản ứng của dư luận trước chính sách của ông Biden

Với vị thế siêu cường của mình, bất kỳ sự điều chỉnh nào trong chính sách đối ngoại của Mỹ đều tác động tới cục diện chính trị, hòa bình và an ninh quốc tế. Do vậy, những động thái về chính sách đối ngoại vừa qua của chính quyền Tổng thống Biden không chỉ được các nước đồng minh, đối tác và các định chế quốc tế hoan nghênh, mà ngay cả những nước được xem là “địch thủ” cũng kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng và tạo không gian để hợp tác trong các lĩnh vực có chung lợi ích.

Việc Tổng thống Biden coi khôi phục các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, đồng thời tuyên bố cam kết của Mỹ đối với NATO khi ông phát biểu trực tuyến tại Hội nghị An ninh Munich và Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 vừa qua đã được các nhà lãnh đạo châu Âu đón nhận nồng nhiệt.

Tổng thống Biden. Ảnh: Dallas Morning News

Ông Boris Johnson, Thủ tướng Anh, nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G7 trong năm 2021, ca ngợi Tổng thống Biden đang đưa nước Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo thế giới. Ông Johnson cho rằng nước Mỹ đã trở lại một cách đáng kinh ngạc với vai trò lãnh đạo thế giới và đó là điều tuyệt vời. Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá các cam kết mà Tổng thống Biden đưa ra tại cả hai hội nghị quan trọng này là thông điệp rõ ràng cho thấy chủ nghĩa đa phương đã được tăng cường và sẽ lại có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong G7.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh quyết định của Mỹ sẽ quay trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc dưới vai trò quan sát viên, sau ba năm rời bỏ tổ chức này. Với việc chính quyền Tổng thống Biden đặt niềm tin vào chính sách đối ngoại lấy dân chủ, nhân quyền và bình đẳng làm trung tâm, ông Guterres kỳ vọng Mỹ sẽ có tiếng nói quan trọng đối với những vụ việc khẩn cấp tại Hội đồng Nhân quyền. Trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ song phương, cho rằng đối đầu Trung - Mỹ chắc chắn sẽ là thảm họa cho cả hai nước và thế giới. Trái lại, hợp tác Trung - Mỹ sẽ có lợi và là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai bên.

Dù vẫn có những toan tính địa chính trị của riêng mình, song những bước đi của chính quyền Tổng thống Biden nhằm nhanh chóng hòa giải, tái gắn kết với các nước đồng minh và đối tác, cùng các định chế quốc tế, bước đầu đã nhận được đánh giá tích cực của dư luận quốc tế./.

Phạm Huân/VOV-Washington

 

Bình luận

    Chưa có bình luận