Láng giềng gia tăng bất hòa

Những diễn biến mới nhất trong mối quan hệ giữa Ukraine và Nga trở thành chuyện thời sự nổi bật về chính trị thế giới và chính trị an ninh châu lục.

 

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vẫn tác oai tác quái ở châu Âu, nhưng không vì thế mà ngăn cản những diễn biến mới nhất trong mối quan hệ giữa Ukraine và Nga trở thành chuyện thời sự nổi bật về chính trị thế giới và chính trị an ninh châu lục.

Ở một bên, Nga triển khai lực lượng quân đội lớn và vũ khí hạng nặng tới vùng biên giới với Ukraine. Ở bên trong Ukraine, chiến sự lại bùng phát giữa quân đội chính phủ và lực lượng vũ trang ly khai chiếm cứ từ nhiều năm nay tại vùng lãnh thổ phía đông, nơi họ đã đơn phương thành lập nhà nước độc lập riêng. Lực lượng này được phía Nga hậu thuẫn. Phía chính phủ Ukraine cho đến nay vẫn chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề ly khai của các vùng lãnh thổ kia bằng cả biện pháp chính trị lẫn quân sự. Phía chính phủ Ukraine và các nước phương Tây tuy không cho rằng Nga đang chuẩn bị lại can dự quân sự vào Ukraine như cách đây 7 năm nhưng vẫn nghi ngại Nga sâu sắc đến mức không thể loại trừ được hoàn toàn khả năng Nga bây giờ có ý định giải quyết vấn đề vùng Donbass của Ukraine như đã giải quyết vấn đề Crimea hồi năm 2014. Cũng chính vì thế mà việc Nga triển khai quân đội và vũ khí đến sát biên giới với Ukraine chẳng khác gì đòn cân não hiểm nhằm vào Ukraine, Mỹ, EU và NATO. Đấy có thể là cuộc chiến tâm lý của Nga mà cũng có thể là sự chuẩn bị về hậu cần và sách lược cho những bước đi tiếp theo của Nga đối với Ukraine và các đối tác kia.

Các phương tiện quân sự Nga được cho là di chuyển tới khu vực sát biên giới Ukraine. (Ảnh: Dailymail).Bối cảnh tình hình hiện tại ở Nga, Ukraine, châu Âu và Mỹ khác biệt cơ bản so với cách đây 7 năm nên vì thế mà gần như không có khả năng Nga hiện tại thật sự chủ ý lại tiến hành can dự quân sự vào Ukraine. Kịch bản can thiệp quân sự này chỉ có thể xảy ra khi xuất hiện đột biến nào đấy ở Ukraine đưa lại lý do hợp pháp xác đáng cho Nga hành động như thế.

Với đòn cân não và tâm lý này, Nga nhằm đạt mục tiêu trước hết là gia tăng áp lực đối với phía Ukraine và tổng thống Ukraine Volodymir Selenskij. Mọi giải pháp chính trị hòa bình cho vấn đề ly khai lãnh thổ ở Ukraine và cho các vấn đề khúc mắc trong mối quan hệ giữa Ukraine và Nga đều phụ thuộc vào vai trò ảnh hưởng quyết định của Nga, tức là phía Ukraine sẽ phải trả giá rất đắt chứ không hề rẻ cho Nga. Tình trạng ly khai ở vùng Donbass càng dai dẳng thì càng bất lợi cho Ukraine và càng có lợi cho Nga cũng như cái giá mà Ukraine sẽ phải trả cho giải pháp chính trị hòa bình sẽ càng thêm đắt. Vì thế nên phía Nga hiện không mặn mà gì với đề nghị gặp gỡ hay đối thoại trực tiếp giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và Ukraine về những diễn biến tình hình hiện tại. Ông Selenskij muốn điện đàm trực tiếp với tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng bị ông Putin làm ngơ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị gặp ông Putin ở nước thứ ba nào đấy để trao đổi về Ukraine nhưng vẫn còn phải chờ sự hồi đáp từ phía Nga. NATO và EU đều làm găng với Nga nhưng cũng đâu có dám đáp ứng mong mỏi tha thiết của ông Selenskij về việc NATO kết nạp Ukraine.

Diễn biến tình hình hiện tại ở Ukraine và giữa Ukraine với Nga không chỉ khiến cho mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này gia tăng căng thẳng và đối địch mà còn đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng như giữa Nga với EU và NATO đến bên nhiều thách thức mới. Phía Nga rất có thể đang làm phép thử đối với chính quyền mới ở Mỹ và đối với ông Biden. Phía Nga hiện giờ chắc chắn không có ảo tưởng về ông Biden là sẽ nhún nhường Nga như ở thời người tiền nhiệm của ông Biden và biết rằng ông Biden đang hoạch định lại chính sách đối ngoại của Mỹ nên Nga làm phép thử mới để dò biết giới hạn hành động của ông Biden đối với Ukraine và Nga./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận