WHO: Thế giới hoàn toàn có thể ngăn chặn được đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 là hoàn toàn có thể ngăn chặn được và thế giới cần nhanh chóng rút ra những bài học từ kinh nghiệm 'xương máu' này.

 

Đây là một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo mang tên “Covid-19: Hãy biến nó trở thành đại dịch cuối cùng” được Tổ chức Y tế Thế giới công bố hôm 12/5.

Với mục tiêu lý giải nguyên nhân tại sao virus SARS-Cov-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lại có thể khiến hơn 3,3 triệu người thiệt mạng và hơn 159 triệu người khác bị lây nhiễm, báo cáo mang tên “Covid-19: Hãy biến nó trở thành đại dịch cuối cùng” do Ủy ban độc lập về dự phòng và phản ứng đại dịch của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ rõ, đại dịch Covid-19 là hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố liên quan lỗ hổng và sự trì hoãn trong việc chuẩn bị và phản ứng của cộng đồng, đại dịch đã lan rộng trên thế giới.

Ấn Độ là một trong những bằng chứng cho thấy sự nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến thế giới như thế nào.

Chỉ trích phản ứng chắp vá của Tổ chức Y tế Thế giới và Chính phủ các quốc gia trên thế giới là “ly rượu hoa quả độc”, ủy ban độc lập về dự phòng và phản ứng đại dịch của tổ chức này cho rằng, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch Covid-19 nghiêm trọng như hiện nay. Theo ủy ban, lẽ ra, Tổ chức Y tế Thế giới nên sớm tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, ngay trong cuộc họp đầu tiên của tổ chức này về đại dịch vào ngày 22/1/2020, thay vì để tới 30/1/2020 mới công bố. Tuyên bố muộn màng của tổ chức toàn cầu này đã khiến thế giới mất đi cơ hội triển khai các biện pháp hợp lý nhằm ngăn chặn đại dịch. Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Ellen Johnson Sirleaf, cựu Tổng thống Liberia và thành viên ủy ban nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, đại dịch là hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Các bằng chứng cho thấy, dịch bệnh bùng phát và trở thành đại dịch là do nhiều sai lầm, lỗ hổng và sự trì trệ trong cả cách dự phòng và phản ứng của chúng ta. Một phần nguyên nhân là do chúng ta đã không sớm rút ra các bài học từ trong quá khứ”.

Trong gần 2 năm qua, một điều có thể dễ dàng nhận thấy là nếu lơ là, mất cảnh giác, đại dịch có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào, bất cứ khu vực nào. Hiện Mỹ và châu Âu đang bắt đầu giảm bớt các biện pháp hạn chế và nối lại cuộc sống bình thường mới thì virus SARS-Cov-2 lại đang tiếp tục tàn phá nhiều khu vực của châu Á. Ấn Độ hiện đang trở thành điểm nóng về dịch bệnh, với số người chết và lây nhiễm liên tục lập kỷ lục mới và hệ thống y tế trở lên quá tải.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ rõ, đại dịch một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, sự lãnh đạo ở cấp toàn cầu. Nếu không muốn tiếp tục tổn thương với các đại dịch tương tự, thế giới cần phải thay đổi. Theo khuyến cáo được đưa ra trong báo cáo, trong thời gian tới, thế giới cần thực hiện một số cải cách trong hệ thống y tế toàn cầu như: xây dựng các hệ thống giám sát dịch bệnh để sớm công bố thông tin tới người dân trên toàn cầu, xây dựng cơ chế tài chính cho việc xử lý đại dịch… Và một yếu tố cấp thiết hiện nay chính là đưa vaccine trở thành một hàng hóa phổ biến.

Tổ chức Y tế thế giới liên tục tổ chức các cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua.

Bà Helen Clark - cựu Thủ tướng New Zealand, đồng chủ trì báo cáo nói: “Nhu cầu về vaccine hiện đã vượt quá nguồn cung. Nếu chỉ tái phân phối vaccine, chúng ta sẽ không đủ cung cấp cho toàn thế giới. Nước Mỹ mới đây đã đề xuất về việc dỡ bỏ bản quyền sáng chế vaccine. Đây là bước đi đúng đắn nhưng là chưa đủ. Chúng ta còn cần đến việc chuyển giao những chứng chỉ, kiến thức và công nghệ vaccinemột cách tự nguyện. Tôi kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới cùng nhau triệu tập các quốc gia và các nhà sản xuất vaccineđể sớm đạt được các thỏa thuận này”.

Tham dự sự kiện công bố cáo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đánh giá cao bản báo cáo, cho rằng, báo cáo đã nhìn thẳng vào vấn đề. Ông cam kết, trong thời gian tới, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ thảo luận với các quốc gia thành viên về các đề xuất và khuyến cáo được đưa ra trong báo cáo nhằm đưa tổ chức y tế toàn cầu này trở lên mạnh mẽ hơn qua đó mang lại tương lai an toàn, công bằng và vững mạnh hơn cho tất cả mọi người trên thế giới./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận