G20: Kết quả nhỏ ở diễn đàn lớn

Hội nghị này chỉ là chuyện "đến hẹn lại lên" bình thường chứ không gây dựng được dấu mốc phát triển mới cho G20.

Kết thúc hội nghị cấp cao thường niên năm nay tổ chức ở Argentina, nhóm G20 thông qua tuyên bố chung. Văn kiện dày 8 trang này đã giúp cho G20 tránh được điều chưa từng xảy ra trong lịch sử 10 năm hình thành và phát triển đến nay của nhóm là hội nghị cấp cao thường niên được tổ chức mà không thông qua được tuyên bố chung.

Trên danh nghĩa có thể coi việc hội nghị kết thúc với tuyên bố chung là thành công của hội nghị. Nhưng thành công ấy có thực chất hay không và thành công được đến đâu thì lại là chuyện khác và lại phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung cụ thể của tuyên bố chung.

Cùng với sự sa sút vai trò và ảnh hưởng của khuôn khổ diễn đàn G7 - bao gồm 7 nước được coi là những nước công nghiệp phát triển nhất trên thế giới, G20 - bao gồm thành viên là những nền kinh tế được coi là phát triển và mới nổi trên thế giới cùng với EU được kỳ vọng và có tham vọng trở thành khuôn khổ diễn đàn đa phương quốc tế duy nhất hiện tại trên thế giới có được khả năng "quản lý và dẫn dắt cả thế giới". Hội nghị cấp cao thường niên là sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất hàng năm của nhóm này.

Cũng chính vì thế mà hội nghị có thành công hay không và thành công đến đâu trên danh nghĩa phụ thuộc vào việc có thông qua được tuyên bố chung hay không nhưng trong thực chất thì hoàn toàn phụ thuộc vào việc có đưa ra được kiến giải mới khả thi và hiệu quả cho việc giải quyết những vấn đề cấp thiết hiện tại của cả thế giới hay không. Nhìn nhận như thế thì sẽ lại thấy sự kiện tuy lớn nhưng kết quả đạt được không lớn tương xứng.

Trong tuyên bố chung, G20 nhấn mạnh sự cần thiết và thể hiện quyết tâm cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng không chỉ ra được phải cải tổ WTO như thế nào, theo lộ trình ra sao và phải làm gì để gần 140 thành viên khác nữa của WTO hoàn toàn nhất trí với 19 thành viên của WTO trong nhóm G20. Nói thì dễ, làm cụ thể mới luôn khó.

Hay như trên lĩnh vực thương mại. Xưa nay, G20 luôn kiên định quan điểm chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thì lần đầu tiên trong lịch sử nhóm này trong tuyên bố chung của hội nghị cấp cao thường niên hàng năm không hề thấy đả động gì tới nội dung chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Trong thực chất, đấy chính là một sự đầu hàng của G20 trước chính quyền mới ở Mỹ. Rồi cả trong nội dung bảo vệ khí hậu trái đất cũng như vậy. Ở đấy, G20 không có quan điểm thống nhất mà để cho quan điểm của 19 thành viên đối chất với quan điểm của Mỹ khi 19 thành viên khẳng định cam kết sẽ thực hiện đầy đủ Hiệp ước Paris của LHQ về bảo vệ khí hậu trái đất (Điểm 20 trong tuyên bố chung) nhưng ở điểm 21 lại để cho Mỹ khẳng định quyết định rút ra khỏi hiệp ước này. Như thế, tuyên bố cuối cùng của hội nghị không thể là tuyên bố chung của hội nghị được nữa mà chỉ là tuyên bố tập hợp những quan điểm riêng. Kết quả như thế của hội nghị không thể được coi là lớn.

Dấu ấn của G20 trong việc giải quyết những vấn đề thời sự đang đặt ra cho thế giới rất mờ nhạt và hội nghị cấp cao này của nhóm đã không giúp xoay chuyển hay cải thiện được tình thế. Những chuyện tày đình đang và mới xảy ra đối với thế giới mà G20 ở hội nghị này như thể kẻ đứng ngoài cuộc. Chuyện đụng độ mới rồi giữa Nga và Ukraine ở Eo biển Kerch bị G2O coi như chuyện riêng giữa Nga với Mỹ và EU trong khi ông Trump huỷ cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin. Những vấn đề liên quan như Syria, Ukraine hay giải trừ vũ khí hạt nhân đều chẳng được bàn thảo thoả đáng và cùng nhau tìm kiếm giải pháp. Ông Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chỉ đạt được thoả thuận "đình chiến" trong xung khắc thương mại chứ chưa tiến được đến gần hơn giải pháp dứt điểm và lâu bền.

Vì thế, hội nghị này chỉ là chuyện "đến hẹn lại lên" bình thường chứ không gây dựng được dấu mốc phát triển mới cho G20./.

Bình luận

    Chưa có bình luận