Nga cần tiền và sẽ không chỉ vì Ukraine mà dễ từ bỏ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu

Bấy lâu nay người ta vẫn hay đồn đoán rằng vì căng thẳng liên quan đến Ukraine, Nga có thể ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.

 

Tuy nhiên trên thực tế, Nga vẫn rất cần tiền và kịch bản ngưng xuất khẩu được cho là khó xảy ra.

Mâu thuẫn của phương Tây khi cố trừng phạt Nga

Căng thẳng ở biên giới Ukraine đã làm nổi bật một trong các vấn đề lớn, đó là tương lai việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Hãng khí đốt Gazprom thuộc sở hữu của nhà nước Nga đã cảnh báo về mức độ khí đốt thấp tại các cơ sở lưu trữ khí đốt ở châu Âu.

Nhưng đồng thời Mỹ và châu Âu đe dọa tung ra các đòn trừng phạt bao gồm việc vứt bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc II nếu như Nga không chịu rút quân khỏi biên giới với Ukraine.

Dòng chảy phương Bắc II là một đường ống dài 1.207km nối Nga với Đức có tiềm năng cung cấp khí đốt cho 26 triệu hộ gia đình cũng như cung ứng cho thị trường khí đốt rộng hơn ở Tây Bắc châu Âu. Đường ống đã hoàn thành nhưng chưa được cơ quan điều phối năng lượng của Đức phê duyệt.

Dữ liệu về mức độ phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga hơi phức tạp do tác động của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 có khiến nhu cầu giảm.

Tuy nhiên, theo các học giả tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford (OIES), vào năm 2021 Nga cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt nhập vào châu Âu (châu Âu ở đây được hiểu là nước Anh cùng 27 quốc gia thành viên EU), gồm khoảng 31% khí đốt dẫn qua đường ống và 4% khí tự nhiên hóa lỏng.

Thường trực trong tâm trí nhiều người hiện nay là câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nga khóa đường ống dẫn khí đốt vào mùa đông.

Theo các chuyên gia về khí đốt, có khả năng cao là không bên nào muốn làm gián đoạn dòng chảy khí tự nhiên từ Nga vào châu Âu.

Nguồn cung khí tự nhiên từ Nga (trước đây là từ Liên Xô) đã tạo ra một sự phụ thuộc nhau mang tính bền vững, vượt qua được các xáo động lớn về địa chính trị, như là việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979, việc thiết quân luật ở Ba Lan vào thập niên 1980, và sự sụp đổ của bức tường Berlin vào năm 1989, sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, và sự việc gần đây - Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Theo thời gian, một lần nữa hai bên lại nhận thấy rằng họ có quá nhiều thứ để mất nếu cản trở dòng chảy khí đốt đó.

Nga hiểu rõ lợi thế và nhu cầu của mình

Vào lúc này, Nga đang hoàn thiện các nghĩa vụ trong hợp đồng dài hạn về cung cấp khí đốt. Nga chẳng làm gì hơn thế cả. Chính vì vậy người ta thậm chí còn đặt ra câu hỏi liệu có một chiến lược nào đó cố tình khiến cho mức nhiên liệu dự trữ ở mức thấp, còn giá thì lại cao, có lợi cho chuyện làm ăn của các hãng như Gazprom.

Ngoài ra, nếu phá vỡ các hợp đồng đó thì Nga sẽ hứng chịu các thiệt hại lớn về pháp lý tài chính và danh tiếng.

Cần phải nhớ rằng Nga cũng cần tiền. Khoảng 75% thu nhập của Gazprom đến từ các mặt hàng xuất khẩu khí đốt. Hãng này cần thu nhập cao giúp nó có khả năng cung cấp khí đốt giá rẻ cho thị trường nội địa.

Theo OIES, xuất khẩu khí chiếm khoảng 6% doanh thu thuế của chính phủ Nga, tức là thấp hơn nhiều so với dầu mỏ nhưng đây cũng không phải lượng nhỏ.

Liên quan đến châu Âu, ít khả năng các lệnh trừng phạt do họ ban ra sẽ nhắm vào dòng chảy khí đốt. Vì điều này có thể làm trầm trọng thêm một tình hình vốn đã khó khăn, đó là giá cả tăng vọt do thị trường bất ổn.

Nếu hoạt động cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu hiện nay bị xáo trộn thì điều đó sẽ kéo theo tình trạng cúp điện tại một số vùng của châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Như vậy, lệnh trừng phạt tựa như con dao hai lưỡi có thể làm tổn hại chính các nước áp đặt tương tự như các nước bị áp đặt.

Hệ thống ống và van khóa tại một nhà máy khí gas thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc II. Ảnh: DPA.

Chuyện cụ thể gì xảy ra khi nguồn cung khí đốt bị khóa lại?

Như trong bất cứ cơ sở hạ tầng năng lượng nào, người ta cần duy trì một lượng khí nhất định để duy trì hoạt động của hệ thống. Điều này cũng đúng với các cơ sở dự trữ và đường ống. Một số khách hàng công nghiệp có thể chuyển sang các nguồn thay thế, như dầu nhiên liệu chẳng hạn, nhưng nhiều khách hàng lại không có sự lựa chọn nào khác và họ buộc phải giảm hoạt động, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà khí tự nhiên đóng vai trò đầu vào của quá trình công nghiệp.

Căng thẳng về khí đốt ở châu Âu hiện nay khác biệt với trước đây ở chỗ thị trường khí đốt toàn cầu hiện nay rất chặt, nghĩa là rất khó tìm ra các nguồn cung bổ sung cho châu Âu. Đã vậy, trước Giáng sinh 2021, Nga đã không cung cấp thêm khí đốt cho các thị trường giao ngay ngắn hạn, họ cũng không nạp đầy cho các cơ sở dự trữ thuộc sở hữu của họ ở châu Âu.

Những tháng tới sẽ vẫn rất khó khăn đối với châu Âu bất kể có chuyện gì xảy ra. Do khí tự nhiên có vai trò sưởi ấm trong nhà, nhu cầu về khí này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thời tiết. Các tuần tới, nếu đợt rét cứ kéo dài thì sẽ khiến khí đốt tại các cơ sở dự trữ cạn kiệt thêm. Trong khi đó, khí đốt làm chỗ dựa cho hệ thống năng lượng gió và mặt trời. Tình trạng thiếu gió và ánh nắng kéo dài (vào mùa đông) sẽ thúc đẩy sử dụng khí đốt nhiều hơn. Nhiều thứ sẽ dễ dàng hơn vào mùa xuân, nhưng khi đó riêng việc nạp khí cho các cơ sở này sẽ lại khó khăn và tốn kém.

Về dài hạn, vấn đề của châu Âu là hoạt động tự sản xuất khí đốt sẽ tiếp tục giảm, trong khi nhu cầu của họ đối với khí này vẫn chưa giảm. Do vậy, tại châu Âu, hoạt động nhập khẩu khí đốt sẽ tất yếu tiếp tục gia tăng.

Nếu các bên tỉnh táo trong vấn đề căng thẳng ở Ukraine, còn tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc II được phê duyệt vào mùa hè 2022, thì việc cung cấp khí đốt từ Nga sang sẽ gia tăng vào mùa đông 2023. Nếu không, mọi thứ sẽ ảm đạm như cũ, thậm chí còn tệ hơn nữa.

Bài học mà châu Âu có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng khí đốt và vấn đề Ukraine hiện nay là họ cần thúc đẩy quá trình phi carbon hóa trong hệ thống năng lượng của mình và giảm lượng khí tự nhiên được tiêu thụ. Nhưng, nói thì dễ hơn làm./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: The Conversation

 

Bình luận

    Chưa có bình luận