Pha trộn thành bại ở COP 27

Hội nghị COP 27 cho thấy sự bất đồng quan điểm giữa các nước đang phát triển và các nước nghèo với các nền kinh tế phát triển và mới nổi vẫn còn rất sâu sắc.

 

Sau hai tuần tranh luận và thương thảo, các thành viên tham dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của LHQ về khí hậu trái đất (COP 27) diễn ra ở Ai Cập đã thông qua bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị. Kết quả của COP 27 được đánh giá rất khác nhau bởi trong thực chất thì sự kiện này không hoàn toàn thành công nhưng cũng không đến nỗi hoàn toàn thất bại. Cái nửa thành nửa bại này là tình trạng chung của tất cả các hội nghị cấp cao hàng năm của LHQ về khí hậu trái đất từ trước tới nay. Con người trên trái đất và đại đa số các thành viên tham dự hội nghị luôn kỳ vọng rất nhiều ở hội nghị nên đặt ra tiêu chí thành công cao cho hội nghị, cao đến mức các hội nghị rất khó và thường không đạt được. Vì thế, các hội nghị thường dễ bị coi là thất bại. Tuy nhiên, chống biến đổi khí hậu trái đất là chuyện lớn của cả thế giới, động chạm tới tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tế nhị và nhạy cảm về mọi phương diện, rất tốn kém và mất thời gian nên thương thảo để thống nhất quan điểm và phối hợp hành động, để thực hiện trách nhiệm và đóng góp cụ thể luôn không dễ dàng. Vì thế, mọi tiến triển tích cực đạt được, dù lớn hay nhỏ, đều có thể đáng được coi là thành công.

Ảnh: ReutersỞ COP 27 năm nay, kết quả nổi bật nhất và quan trọng nhất là sự nhất trí về thành lập quỹ tài chính dùng để bồi thường cho những mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu trái đất gây ra đối với những quốc gia đang phát triển, quốc gia nghèo và những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trái đất. Tại Hội nghị COP 25, các nước công nghiệp phát triển đã cam kết chi 100 tỷ USD hàng năm cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất, nhưng rồi không thực hiện đầy đủ những cam kết này. Quỹ tài chính được nhất trí thành lập ở Hội nghị COP 27 năm nay là bước tiến mới phục vụ mục đích cụ thể và đáp ứng một trong những mong đợi lớn nhất của các nước đang  phát triển, các nước nghèo và các nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Việc ra đời và hoạt động của quỹ tài chính này giúp khắc phục một tình trạng bất công trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Một số lượng nhỏ các nền kinh tế phát triển và mới nổi là những thủ phạm chính gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu trái đất trong khi đại đa số các nước trên thế giới chịu hậu quả nặng nề. Vì thế, công cuộc chống biến đổi khí hậu trên bình diện toàn thế giới phải bao gồm chấm dứt sử dụng những nguồn năng lượng và nguyên vật liệu gây ra hiệu ứng nhà kính, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi, bao gồm việc các nước giàu phải chịu trách nhiệm về chính trị cũng như tài chính cho công cuộc chống biến đổi khí hậu, bồi thường cho các nước đang phát triển và các nước nghèo cũng như hậu thuẫn các nước này đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu trái đất.

Thành công này của Hội nghị COP 27 bị hạn chế bởi ba câu hỏi mấu chốt hiện vẫn chưa được trả lời mà vẫn còn phải được tiếp tục đàm phán là quỹ tài chính này sẽ hoạt động như thế nào, ai đóng góp bao nhiêu cho quỹ và ai được thụ hưởng bao nhiêu từ quỹ.

Diễn biến và kết quả của Hội nghị COP 27 ở Ai Cập cho thấy sự bất đồng quan điểm giữa các nước đang phát triển và các nước nghèo với các nền kinh tế phát triển và mới nổi vẫn còn rất sâu sắc, cơ bản và rất lớn trong vấn đề này.  Tình trạng cam kết nhưng rồi không thực hiện đầy đủ cam kết vẫn còn rất phổ biến, đặc biệt liên quan đến những cam kết tài chính. Nếu như các hội nghị tới đây vẫn tiếp tục như thế này thì những mục tiêu đã được các thành viên thông qua ở nhiều lần hội nghị về chống biến đổi khí hậu trái đất khó có thể đạt được./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận