EU áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga

Ukraine cho rằng mức giá trần này vẫn còn "thoải mái" đối với Nga.

 

Bắt đầu từ ngày 5/12 vừa qua, EU thực hiện quyết sách đã được đưa ra từ trước đó về áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Ngay trước thời điểm nói trên, các thành viên EU nhất trí ấn định giá trần này là 60 USD/thùng (159 lít) - giá dầu hiện tại trên thị trường từ 69-70 USD/thùng. EU sẽ điều chỉnh mức giá trần này nếu giá dầu trên thị trường giảm trong thời gian tới. Một số thành viên EU muốn mức giá trần này còn thấp hơn nhiều. Ukraine cho rằng mức giá trần này vẫn còn "thoải mái" đối với Nga. Cuối cùng, EU thoả hiệp trong nội bộ về mức giá trần này vì cho rằng như thế tạm đủ để gây thiệt hại cho Nga và đồng thời không đẩy Nga vào phản ứng ngừng xuất khẩu dầu mỏ, tức là vẫn để cho Nga thu lợi nhất định từ xuất khẩu dầu mỏ nên tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ. Nga là nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới, lại là thành viên của nhóm Opec+ (bao gồm 23 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chính trên thế giới) nên Nga xuất khẩu nhiều hay ít, tăng hay giảm sẽ tác động trực tiếp ngay lập tức tới cung ứng dầu mỏ trên thị trường thế giới. Khan hiếm dầu trên thị trường sẽ làm giá dầu tăng mà giá dầu tăng thì giá năng lượng ở ngay chính các nước thành viên EU cũng tăng và Nga có thể tận lợi từ xuất khẩu khối lượng ít hơn nhưng vẫn thu lợi về được nhiều hơn. Vì thế, EU chỉ dám ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga và áp giá trần không thể thấp đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Nhóm G7 và Australia cho biết đồng hành với EU trong chuyện thực hiện áp giá trần này.

Hệ thống đường ống dẫn khí của Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

EU, G7 và Australia không thể ép buộc tất cả các khách hàng của Nga phải tuân thủ biện pháp này nên đi lối đường vòng là cấm các hãng vận tải biển và bảo hiểm vận tải biển đóng trụ sở ở EU và G7 phục vụ xuất khẩu dầu mỏ của Nga với giá cao hơn mức trần trên. Theo tính toán của EU, hơn 90% các hãng vận tải biển và bảo hiểm vận tải biển trên thế giới đóng trụ sở ở các nước thành viên EU và G7 nên Nga và các khách hàng vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn lớn. EU cho biết biện pháp này của EU và G7 động chạm tới 3 triệu thùng dầu mỏ của Nga hàng ngày và tính theo giá hiện tại thì sẽ khiến Nga thiệt khoảng 210 triệu USD hàng ngày. EU, G7 và đồng minh kỳ vọng sẽ làm khô kiệt nguồn thu nhập của Nga từ xuất khẩu năng lượng và vì thế không thể duy trì lâu dài chiến sự ở Ukraine. EU dựa trên cơ sở tính toán rằng thu nhập từ xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ chiếm 45% tổng thu nhập cho ngân sách nhà nước hàng năm của Nga, trong đó, tỷ trọng của xuất khẩu dầu mỏ là 37%.

Bị chơi cú đòn mới này, Nga không thể tránh khỏi bị thiệt hại và khó khăn. Nhưng về lâu dài, EU cùng với G7 và Australia có đạt được mục đích đề ra với quyết sách áp giá trần này hay không thì lại phụ thuộc chính không phải vào EU hay G7 mà vào chính đối sách và khả năng chịu đựng của Nga. Nga đã tuyên bố không tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ cho những khách hàng tham gia thực hiện biện pháp mới kia của EU và G7. Nếu Nga vẫn giữ được những khách hàng truyền thống lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập và tìm ra được cách thức, cơ chế vận tải và bảo hiểm vận tải mới thì EU và G7 chỉ thu về được tác dụng bị hạn chế đáng kể của biện pháp mới của họ. Nhóm Opec+ cho biết không vì EU và G7 áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga mà tăng khối lượng xuất khẩu dầu lửa hàng ngày. Nếu như rồi đây xuất hiện tình trạng khan hiếm dầu mỏ trên thị trường và giá dầu tăng thì mức độ lợi bất cập hại sẽ tăng cao đối với EU và G7. Dù kết cục rồi đây có như thế nào thì biện pháp này của EU và G7 cũng vẫn là sự can thiệp trực tiếp cực đoan nhất từ trước tới nay vào thị trường dầu mỏ thế giới và chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận