Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi: Thu hẹp khoảng cách niềm tin

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi diễn ra trong 3 ngày tại Washington được cho là nhằm tìm cách thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa Mỹ với châu Phi...

 

Thượng đỉnh Mỹ-châu Phi là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Washington kể từ đại dịch Covid-19 và đây được cho là cơ hội để Mỹ xây dựng và củng cố các mối quan hệ đối tác với châu Phi. Hội nghị thượng đỉnh này phản ánh chiến lược của Mỹ đối với tiểu vùng Sahara châu Phi và Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi nhằm biến châu lục thành một cường quốc toàn cầu trong tương lai. Các nội dung được thảo luận tại sự kiện này dự kiến sẽ bao gồm ứng phó với Covid-19, biến đổi khí hậu, tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với châu Phi, thương mại, y tế, hòa bình và an ninh.

Tổng thống Biden cùng đại diện 49 quốc gia châu Phi dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy an ninh lương thực và đảm bảo tính bền vững của hệ thống lương thực khi châu Phi thời gian qua bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự gia tăng toàn cầu của giá thực phẩm do việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine bị gián đoạn.

Tại thượng đỉnh lần này, Tổng thống Biden có thể sẽ đưa ra một số cam kết đối với châu Phi bao gồm chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tổng thống tới tiểu vùng Sahara châu Phi và các nỗ lực tăng cường nền kinh tế của châu lục này thông qua đầu tư và thương mại trong lĩnh vực tư nhân.

Theo một số quan chức quốc phòng Mỹ, hai bên cũng có thể thảo luận các giải pháp do châu Phi đứng đầu và sử dụng các công cụ quốc phòng dân sự như xây dựng năng lực thể chế, cải cách lĩnh vực an ninh và xây dựng năng lực đối tác nhằm thực hiện một cách hiệu quả chiến lược của Mỹ ở tiểu vùng Sahara châu Phi. Đáng chú ý, Tổng thống Biden sẽ công bố sự ủng hộ của Mỹ đối với việc châu Phi trở thành thành viên thường trực của nhóm G20 cũng như sự hiện diện của châu lục này tại các tổ chức toàn cầu như Quỹ tiền tệ quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bên ngoài Nhà Trắng sau cuộc gặp hồi tháng 9/2022. Ảnh: APKỳ vọng của các nước châu Phi trong quan hệ với Mỹ

Tại hội nghị này, ưu tiên hàng đầu và kỳ vọng của các nước châu Phi sẽ đặc biệt tập trung vào việc yêu cầu Mỹ hỗ trợ về kinh tế, cũng như hỗ trợ đối phó với biến đổi khí hậu và dựa trên những gì đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Sharm El-Sheikh Ai Cập vừa qua, cũng như hợp tác ổn định và cân bằng một trật tự thế giới mới. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Phi cũng tìm kiếm sự hợp tác an ninh để chống khủng bố, bởi vì một số nhóm khủng bố vẫn tồn tại ở một số quốc gia châu Phi và ngày càng gia tăng ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là bước ngoặt và là cơ hội để các nước châu Phi xác định tương lai của mối quan hệ dựa trên quan hệ đối tác, nhằm tiếp tục phát triển và xây dựng hòa bình, an ninh quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh này là điểm khởi đầu để giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và chấm dứt tình trạng hỗn loạn liên quan đến vũ khí trên lục địa.

Mặc dù các nước châu Phi vẫn còn hoài nghi về sự nhất quán giữa lời nói và hành động trong chính sách của Mỹ. Do đó trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, Mỹ phải ứng xử đối với các nước châu Phi có thể thúc đẩy các kết quả hữu hình dưới hình thức hỗ trợ kinh tế mặc dù có điều kiện. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định hội nghị ​​sẽ khó đạt được kết quả cụ thể, do sự khác biệt trong quan điểm của người châu Phi và vì sự hiện diện thay thế của Trung Quốc trong khu vực, nhưng đây là bước khởi đầu để mở ra các cuộc thảo luận mở rộng và phía Mỹ, các bên châu Phi khác nhau sẽ cố gắng đạt được lợi ích.

Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách với châu Phi như thế nào?

Trong hai năm vừa qua, chính quyền Tổng thống Biden đã tìm cách gạt bỏ chính sách nước Mỹ trước tiên của người tiền nhiệm, qua đó lấy lại vị thế và sự lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế trong đó có quan hệ với châu Phi. Do đó, hội nghị lần này vốn được nối lại sau 8 năm chính là cơ hội để Mỹ đảm bảo rằng nước này nghiêm túc trong thúc đẩy quan hệ và hợp tác với các nước châu Phi.

Châu Phi là châu lục giàu tiềm năng, luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước lớn trên thế giới. Đối với Mỹ, châu Phi có vị trí vô cùng quan trọng bởi Washington luôn có những chính sách nhằm gia tăng ảnh hưởng và lợi ích tại khu vực. Trong những năm gần đây, cuộc đua tranh giành ảnh hưởng tại lục địa đen giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga ngày càng gay gắt, nhất là trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động khôn lường từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có những điều chỉnh chính sách để thích ứng với tình hình mới và đã được cụ thể hóa bằng chính sách mới về châu Phi.

Hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ đã công bố chiến lược mới đối với khu vực châu Phi và văn bản này được đánh giá là nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc tại lục địa đen. Chiến lược này phác thảo các ưu tiên chính của Mỹ đối với châu Phi bao gồm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, y tế, quản trị dân chủ; định hình các quy tắc của thế giới về các vấn đề quan trọng như thương mại, không gian mạng, công nghệ mới nổi; đương đầu với các nguy cơ khủng bố, xung đột, tội phạm xuyên quốc gia; phục hồi sau đại dịch Covid-19, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn môi trường.

Trên cơ sở đó, thượng đỉnh lần này là nỗ lực của Mỹ nhằm thực hiện chiến lược của mình đối với châu Phi và sự kiện này được kỳ vọng sẽ đưa ra các sáng kiến chung mới giữa Mỹ và các quốc gia ở châu Phi. Hai bên sẽ chú trọng thúc đẩy hợp tác đầu tư và trao đổi thương mại hai chiều nhằm tăng cường vai trò của châu Phi trong nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi cũng dự kiến sẽ công bố các sáng kiến mới nhằm tăng cường sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do châu Phi, cũng như các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Phi từ đại dịch COVID-19, thúc đẩy an ninh lương thực và tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, y tế và năng lượng tái tạo của châu lục.

Các chuyên gia đánh giá, dù phía Mỹ tuyên bố rằng nước này đang tìm kiếm “mối quan hệ đối tác thực sự” với châu Phi và không coi châu Phi là sân chơi mới trong cuộc đua giành ảnh hưởng của các cường quốc, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy Mỹ đang ráo riết cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc ở lục địa đen nay và chiến lược mới của Mỹ nói trên đang cụ thể hóa điều này./.

Phạm Huân/VOV-Washington, Ngọc Thạch/VOV-Cairo

 

Bình luận

    Chưa có bình luận