APEC nhằm tới chuyển biến mới

Cuộc gặp cấp cao lần thứ 30 của diễn đàn APEC bị phủ bóng bởi những cuộc xung đột trên thế giới.

 

Năm trước, sự kiện thường niên lớn nhất và cũng quan trọng nhất này của APEC được tổ chức ở Thái Lan. Tổng thống Mỹ Joe Biden năm ngoái không tới Thái Lan tham dự. Năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ dự cuộc gặp cấp cao của APEC và đồng thời còn gặp ông Biden. Giống như năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự cuộc gặp cấp cao năm nay của APEC.

Cuộc gặp cấp cao của APEC phần nào bị nhạt nhòa bởi sự quan tâm và để ý của thế giới bị chia sẻ cho cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình. Hai người này không gặp nhau ở cuộc gặp cấp cao của APEC hồi năm ngoái ở Thái Lan, nhưng gặp nhau trước đó ở Bali (Indonesia) nhân cuộc gặp cấp cao của nhóm G20. Dịp cấp cao của nhóm G20 năm nay ở Ấn Độ, ông Biden đến dự nhưng ông Tập Cận Bình không tới Ấn Độ. Ông Tập Cận Bình lần đầu tiên tới Mỹ kể từ khi ông Biden lên cầm quyền.

Chương trình nghị sự của mọi lần họp cấp cao của APEC đều luôn rất đồ sộ, luôn bao trùm mọi chuyện chính trị thời sự lớn nhỏ của thế giới chứ không chỉ riêng những chuyện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc gặp cấp cao APEC năm nay bị phủ bóng không những chỉ bởi cuộc chiến tranh ở Ukraine giữa Nga và Ukraine mà còn thêm bởi cuộc chiến tranh giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông. Như thế có nghĩa là chuyện chính trị an ninh thời sự thế giới không để cho APEC có thể chuyên tâm quan tâm và bàn thảo về kinh tế và thương mại thế giới. Đại dịch bệnh đã được coi như qua rồi nhưng kinh tế và thương mại thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và vẫn còn cần đà tăng trưởng mạnh mẽ để đạt mức độ tăng trưởng như trước đại dịch bệnh.

Những thách thức lớn khác nữa là cuộc xung khắc thương mại quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc đối kháng cũng rất quyết liệt giữa phe các nước phương Tây với Nga và Trung Quốc. Tình hình chung trên thế giới là giá năng lượng biến động mạnh, tỷ lệ lạm phát cao, mặt bằng lãi suất cơ bản được dần nâng lên rõ rệt. Công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất vẫn rất khó khăn và tiến triển chậm chạp. Thế giới nói chung đang ở trong thời kỳ và tình trạng bất an và bất ổn trên nhiều phương diện.

Các bộ trưởng APEC trong cuộc họp ngày 14/11. (Ảnh: AFP)Tất cả những vấn đề này đều không thể thiếu trên chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao năm nay của APEC ở San Francisco. APEC hiện tại có 21 thành viên. Điều có thể chắc chắn được là cuộc gặp cấp cao chưa thể khắc phục được bất đồng quan điểm trong nội bộ về hai cuộc chiến tranh nói trên. Ông Biden và ông Tập Cận Bình gặp nhau là động thái với tác động tích cực đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tới APEC nhưng trước mắt cũng chỉ mới ở mức độ giới hạn. APEC vì thế vẫn còn phải chịu tác động bất lợi từ mối quan hệ song phương này. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình sẽ không để cho những bất hoà vẫn chưa được xử lý ổn thoả giữa Mỹ và Trung Quốc khiến ông Biden không thành công gì với việc chủ trì cuộc gặp cấp cao năm nay của APEC tại San Francisco.

APEC hiện tại có cơ hội kiến tạo bước tiến mới vì khu vực châu Á - Thái Bình Dương nổi bật hơn hẳn so với tất cả các khu vực khác trên thế giới về an ninh và ổn định, về tăng trưởng kinh tế và thương mại, về thúc đẩy toàn cầu hoá và thương mại tự do. Với vai trò then chốt cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương về kinh tế và thương mại, APEC có thể trở thành một tác nhân quyền lực và ảnh hưởng quyết định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. APEC chỉ có thể làm nên bước chuyển mới này khi các thành viên thống nhất nội bộ và hài hòa lợi ích, cùng gây dựng nhân hòa thật sự để tận dụng địa lợi mà tranh thủ thiên thời. Cuộc cấp cao năm nay sẽ cho thấy APEC có nắm bắt cơ hội ấy hay không./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận