Toan tính tham chiến của NATO

Mọi biểu hiện trong những ngày vừa qua ở phía NATO lẫn Nga đều báo hiệu khả năng cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine rồi đây sẽ có quy mô rất khác trước...

 

Mọi biểu hiện trong những ngày vừa qua ở cả phía NATO lẫn phía Nga đều báo hiệu khả năng cuộc chiến tranh ở Ukraine giữa Nga và Ukraine rồi đây sẽ có bản chất và quy mô rất khác trước. Trong số ấy có 3 động thái đáng được chú ý hơn cả.

Thứ nhất là việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng NATO đưa quân lính đến tham chiến ở Ukraine. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng xác nhận là một số thành viên NATO đã suy tính đến việc đưa quân đội sang Ukraine sát cánh cùng quân đội Ukraine chiến tranh trực tiếp với Nga. NATO được thành lập sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai trong thế kỷ trước nhưng từ đó đến nay chưa khi nào quân đội Nga và quân đội NATO nói chung hay của thành viên NATO nói riêng chiến tranh trực tiếp với nhau. Ông Macron về sau vội vã quả quyết là sẽ không có chuyện binh lính Pháp được đưa sang Ukraine để chiến tranh với Nga nhưng điều không thể phủ nhận là NATO hiện đã bắt đầu tính đến kịch bản phải trực tiếp tham chiến ở Ukraine để cứu Ukraine không bị thua Nga và để đánh bại Nga.

Ảnh minh họa: ReutersĐộng thái thứ hai là Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp thứ 19 về tình hình nước Nga. Ông Putin làm việc này vào thời điểm chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến tranh ở Ukraine bước vào năm thứ ba, ngay sau khi phía NATO lộ những toan tính nói trên và chỉ hai tuần trước ngày có cuộc bầu cử tổng thống ở nước Nga mà ông Putin chắc chắn sẽ tái đắc cử. Ở vào thời điểm nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại như thế, không có gì là khó hiểu khi ông Putin đề cao những gì đã đạt được với cuộc chiến tranh, khẳng định nước Nga sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh này cho tới khi đạt được hết những mục tiêu đề ra. Và ông Putin không thể không phản ứng quyết liệt về dự định hay tính toán của NATO đưa binh lính đến tham chiến ở Ukraine. Cũng không có gì lạ khi phía Nga coi việc NATO đưa binh lính đến tham chiến ở Ukraine có nghĩa là NATO tuyên chiến với Nga và Nga sẽ sử dụng đến cả vũ khí hạt nhân khi cần thiết. Cuộc chiến tranh ở Ukraine khi ấy sẽ trở nên khác trước hoàn toàn cả về bản chất lẫn phạm vi quy mô với hệ lụy thật sự không thể lường hết được trước đối với Nga, NATO, Ukraine và đối với châu Âu.

Diễn biến thứ ba là việc Nga công bố nội dung một cuộc thảo luận của giới chỉ huy không quân Đức liên quan đến việc Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine. Ukraine rất muốn có được loại tên lửa này vì nó có tầm bắn 500km và có khả năng xuyên thủng nhiều lớp tường bê tông dày. Ukraine kỳ vọng loại tên lửa này sẽ giúp Ukraine công phá những trung tâm chỉ huy kiên cố của quân đội Nga nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga. Một số thành viên NATO thôi thúc Đức rất mạnh về cung ứng loại tên lửa này cho Ukraine vì tin rằng sẽ giúp Ukraine xoay chuyển cục diện chiến trương. Về công khai, chính phủ Đức cho đến nay vẫn kiên định quan điểm không cung cấp loại tên lửa này cho Ukraine vì tránh bị coi là trực tiếp chiến tranh với Nga. Nhưng trong những gì mới được Nga tiết lộ thì phía Đức trên thực tế đã suy tính rất nghiêm túc việc cung ứng tên lửa Taurus cho Ukraine, thậm chí còn bàn đến cả khả năng Ukraine dùng tên lửa này phá hủy cầu bắc qua eo biển Ketch nối Nga với bán đảo Crimea, tức là thực chất không giống như biểu hiện ra bên ngoài.

Từ đó có thể thấy nếu Ukraine thuận lợi trên chiến trường trong thời gian tới thì phía NATO sẽ thầm lặng trên phương diện đưa binh lính đến tham chiến ở Ukraine. Nhưng nếu Ukraine bị bất lợi, tức là không kháng cự nổi các cuộc tấn công của Nga, thì NATO sẽ đi những bước xưa nay chưa từng thấy để giúp Ukraine không bị thua Nga trên chiến trường. Đưa binh lính đến tham chiến trực tiếp ở Ukraine sẽ là cuộc chơi được ăn cả, mất về không đối với NATO./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận