Khủng bố trở lại

Nước Nga và cả châu Âu bị cú sốc lớn bởi vụ khủng bố trở lại ở ngoại ô thủ đô Moscow mới đây.

 

Vụ xả súng tại buổi hoà nhạc ở ngoại ô thủ đô Moscow của Nga ngày 22/3 vừa qua đã làm cho 139 người bị thiệt mạng và hơn 180 người bị thương. Nó diễn ra chỉ 5 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Nga. Nước Nga và cả châu Âu bị cú sốc lớn bởi khủng bố như thế đồng nghĩa với việc an ninh chưa được đảm bảo chắc chắn và công cuộc chống khủng bố vẫn còn khiếm khuyết. Khủng bố xảy ra ở nước Nga thì cũng có thể xảy ra ở những nơi khác nữa trên châu lục.

Đối với nước Nga và cá nhân tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin, vụ khủng bố này gây ra nhiều bất lợi. Nước Nga đang ở trong tình trạng chiến tranh với Ukraine và đối địch không khoan nhượng với phe các nước phương Tây. Ukraine tăng cường tìm cách đưa chiến tranh sang phía lãnh thổ của Nga. Nước Nga hiện cần an ninh và ổn định chính trị - xã hội nội địa hơn lúc nào hết. Cách đó có 5 ngày, ông Putin đã thắng cử một cách vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống và có được nhiệm kỳ tổng thống thứ 5. Không ngăn chặn được khủng bố ở bên trong như thế không thể không ảnh hưởng lớn đến uy tín cá nhân của ông Putin.

Trung tâm thương mại Crocus bùng cháy khi bị tấn công. (Ảnh: Reuters)Phía Nga xác định thủ phạm là những phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan nhưng đồng thời cũng cho rằng ở phía sau vụ việc này có vai trò nhất định của Ukraine. Đương nhiên là phía Ukraine phải nhanh chóng bác bỏ mọi cáo buộc hay ám chỉ của Nga. Nước Nga bất an, bất ổn và khó khăn thì Ukraine được lợi trên phương diện nước Nga sẽ không thể tập trung toàn bộ tiềm lực cho cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Ukraine đã tiến hành những hoạt động quân sự vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. Nhưng khủng bố lại là chuyện hoàn toàn khác bởi bị cả thế giới lên án và là tội ác bị luật pháp quốc tế trừng trị. Vụ khủng bố này ở Nga xảy ra trong bối cảnh tình hình chiến tranh giữa Nga và Ukraine nhưng chắc chắn không liên quan gì đến Ukraine.

Vụ khủng bố này gợi lại những lần xảy ra khủng bố ở nước Nga trong quá khứ, xảy ra vào những năm 2002, 2004, 2009, 2011 và 2013. Thủ phạm đều là những phần tử Hồi giáo cực đoan ở những vùng lãnh thổ có phong trào ly khai ở nước Nga. Vấn đề ly khai lãnh thổ và vấn đề Hồi giáo có liên quan mật thiết với nhau ở nước Nga. Sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria bị đập tan, lực lượng tàn dư của IS xâm nhập vào các nước châu Âu, trong đó có Nga, để rồi mỗi khi có điều kiện và cơ hội thuận lợi lại tiến hành các hoạt động và hành động khủng bố. Nước Nga bận rộn với cuộc chiến ở Ukraine. Cả châu Âu bị tác động của cuộc chiến tranh ở Ukraine và cuộc đối địch giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và đồng minh. Bối cảnh tình hình như thế thuận lợi cho những tổ chức và phần tử Hồi giáo cực đoan và cho tàn dư của IS ở châu Âu tiến hành những hoạt động khủng bố như đã gây ra ở Nga vừa rồi.

Sau vụ việc này, nước Nga và ông Putin phải lưu tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo an ninh nội địa, giải quyết vấn đề tôn giáo ở trong nước và tiếp tục cuộc chiến tranh ở Ukraine cũng như đối đầu với phe các nước phương Tây sao cho vừa đạt được những mục tiêu đề ra cho cả hai cuộc đối kháng này vừa không bị hở sườn về an ninh nội địa trước nguy cơ bị tấn công khủng bố.

Nhưng cả các nước khác ở châu Âu cũng đã bị báo động. Khủng bố lại trở nên thời sự đối với châu lục. Các nước trên châu lục buộc phải cảnh giác hơn và phòng ngừa hiệu quả hơn cũng như phải hợp tác với nhau hiệu quả hơn để chống khủng bố và đẩy lùi nguy cơ khủng bố. Những địch thủ của Nga sẽ tiếp tục đối kháng Nga nhưng đồng thời phải sẵn sàng hợp tác với Nga về chống khủng bố. Khủng bố xảy ra ở nước Nga nhưng thông điệp và bài học từ vụ việc này lại cần thiết không những chỉ cho nước Nga mà còn cho cả châu Âu./.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận