Sau 75 năm, NATO trở về với triết lý ban đầu

Trong 75 năm, NATO đã cung cấp sự đảm bảo về an ninh cho các thành viên trải dài từ Anchorage ở Alaska, Mỹ đến Helsinki, Phần Lan...

 

Mục đích ban đầu khi thành lập NATO là ứng phó với Liên Xô cũ trên cơ sở răn đe và phòng thủ. Ở thời điểm kỷ niệm 75 năm, những biến động địa chính trị toàn cầu đang đưa NATO quay trở lại với mục đích chính ban đầu là răn đe và phòng thủ, nhất là để bảo vệ lãnh thổ ở châu Âu.

Mở rộng về phía Đông

Ngày 4/4/2024 Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỷ niệm tròn 75 năm thành lập. Trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập, NATO đã tổ chức Hội nghị ngoại trưởng diễn ra trong hai ngày 2 và 3/4 tại Brussels, Bỉ. Đây là hội nghị chính thức đầu tiên có sự tham dự của Thụy Điển - quốc gia vừa gia nhập NATO hồi tháng trước.

Bên cạnh Ngoại trưởng của 32 quốc gia thành viên, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các đối tác của NATO, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác trong và ngoài NATO trên cơ sở “chia sẻ các giá trị phổ quát và thảo luận về cách giải quyết các mối đe dọa an ninh xuyên biên giới”. Việc kết nạp hai thành viên mới nhất là Phần Lan và Thụy Điển, cộng với lá đơn xin gia nhập vẫn ở trạng thái “treo” của Ukraine cho thấy định hướng mở rộng về phía Đông của NATO trong 75 năm qua.

Cần nhắc lại rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập từ năm 1949 với mục đích ban đầu là ngăn chặn tầm ảnh hưởng của các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản vốn phát triển rất mạnh ở châu Âu thời điểm đó. Nền tảng thành lập NATO là Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (còn gọi là Hiệp ước Washington) với 12 thành viên sáng lập ban đầu gồm Mỹ, Anh, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha.

Theo Điều 5 của Hiệp ước, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên còn lại trong khối. Ngoài Điều khoản số 5, NATO cũng có một chính sách quan trọng không kém và đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng tại Ukraine thời gian qua. Đó chính là chính sách “mở cửa”, được dựa trên Điều khoản Số 10. Theo đó, Hiệp ước quy định rằng, bất kỳ “quốc gia châu Âu nào có vị thế nhằm tiếp tục áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước này và đóng góp vào an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương” đều có thể trở thành thành viên của NATO.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO kết nạp thêm 4 thành viên là Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Cộng hòa Liên bang Đức và Tây Ban Nha. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nước Trung - Đông Âu, trong đó có cả những nước từng thuộc Liên Xô cũ nối tiếp nhau gõ cửa NATO. Tháng 3/1999, NATO lần đầu tiên chấp thuận kết nạp Séc, Hungary và Ba Lan làm thành viên. Tháng 3/2004, 7 nước bao gồm Slovakia, Bulgaria, Romania, Slovenia cùng với các nước ven bờ biển Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania, trở thành thành viên chính thức của NATO, đưa số thành viên của khối lên 26. Năm 2009, NATO kết nạp Croatia và Albania. Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của NATO vào năm 2017. Đến năm 2020, Bắc Macedonia trở thành thành viên thứ 30 của NATO. Hai thành viên kết nạp cuối cùng là Phần Lan vào năm 2023 và Thụy Điển năm 2024 là sự mở rộng đáng chú ý nhất - quyết định được cho là thay đổi lớn với trật tự an ninh ở châu Âu kể từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Nato kỷ niệm 75 năm thành lập. (Ảnh: KT)

Trở về với “răn đe và phòng thủ”

Việc thành lập NATO đã dẫn đến sự thành lập khối Warszawa để làm đối trọng, tạo nên sự đối đầu giữa hai khối quân sự trong Chiến tranh Lạnh nửa cuối thế kỷ 20. NATO được thành lập vào thời kỳ đầu của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Cùng với khối đối trọng là Warszawa, hai bên được xem là đã kiểm soát thành công cuộc Chiến tranh Lạnh, ít nhất là không để bùng phát vũ trang ở thời điểm đó. Nhưng khi bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của Khối Warszawa, NATO không còn đối trọng về mặt quân sự và hoạt động bắt đầu chuyển dần sang các chiến dịch can dự, từ Nam Tư, đến Bosnia và Herzegovina, Serbia, Kosovo, Afganistan, Libya…, thậm chí NATO còn từng bị ví von là “cỗ máy chiến tranh”.

Thời gian đầu, việc NATO mở rộng về phía Đông dường như không khiến Nga quan tâm nhiều. Chỉ đến khi liên minh này ý định kết nạp Gruzia và Ukraine vào một thời điểm không xác định trong tương lai, Moscow mới có những phản ứng mạnh mẽ, với đỉnh điểm là cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi đầu năm 2022. Sự kiện này một lần nữa thức tỉnh NATO về trọng tâm ban đầu của khối là răn đe và phòng thủ trước tầm ảnh hưởng của Nga, trước mắt là bảo vệ Ukraine - quốc gia chưa là thành viên NATO nhưng là vùng đệm vô cùng quan trọng với Nga ở phía Đông.

Trong 75 năm, NATO đã cung cấp sự đảm bảo về an ninh cho các thành viên trải dài từ Anchorage ở Alaska, Mỹ đến Helsinki, Phần Lan. Khoảng 950 triệu người được bảo vệ bởi quy tắc phòng thủ tập thể quy định trong Điều 5 của Hiệp ước. Kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, NATO kết nạp thêm hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển - xác nhận và mở rộng vai trò trung tâm của liên minh trong an ninh châu Âu với mục tiêu lớn nhất là bảo vệ lãnh thổ. Một số hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua đã chứng kiến những bước nhảy vọt chưa từng có trong tư duy chiến lược do môi trường an ninh mới ở châu Âu: từ việc công bố Khái niệm chiến lược mới - một tài liệu hướng dẫn định hình hoạt động của liên minh - tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022, đến các kế hoạch triển khai khái niệm này ở Vilnius vào năm 2023.

Hội nghị thượng đỉnh Washington năm 2024 diễn ra vào thời điểm quan trọng, cho thấy NATO thích nghi như thế nào để đối mặt với những thách thức hiện tại, bao gồm cả vấn đề Ukraine. Bài toàn khó hiện nay của NATO là tiếp tục hỗ trợ Ukraine thế nào để vừa đảm bảo được mục đích “răn đe và phòng thủ” trước Nga, nhưng cũng không đẩy cuộc đối đầu với Nga đến “lằn ranh đỏ” - điều mà NATO và khối Warszawa từng kiểm soát thành công thời Chiến tranh Lạnh. NATO từng thay đổi, phát triển, mở rộng trong 75 năm qua, nhưng cuối cùng việc theo đuổi những mục tiêu cũ trong tình hình mới mới là thách thức của khối quân sự lớn nhất hành tinh này khi tròn 75 tuổi./.

Trong 75 năm, NATO đã cung cấp sự đảm bảo về an ninh cho các thành viên trải dài từ Anchorage ở Alaska, Mỹ đến Helsinki, Phần Lan. Khoảng 950 triệu người được bảo vệ bởi quy tắc phòng thủ tập thể quy định trong Điều 5 của Hiệp ước.

 

Thúy Ngọc

 

Bình luận

    Chưa có bình luận