Hai nơi chính biến

Những diễn biến ở hai nơi này tác động trực tiếp tới cục diện ở khu vực và chính sách của các đối tác bên ngoài.

 

Châu Phi lại có thêm những điểm nóng mới về chính trị an ninh. Những diễn biến ở hai nơi này tác động trực tiếp tới cục diện tình hình chung ở khu vực và tác động mạnh mẽ tới chính sách của các đối tác bên ngoài.

Trong khi ở Libya chiến sự vẫn dai dẳng ác liệt giữa phe chính phủ thống nhất dân tộc được LHQ công nhận và hậu thuẫn với lực lượng Quân đội quốc gia Libya của tướng Khalifa Haftar thì xảy ra chính biến ở Algeria và Sudan. Ở cả hai nơi này, những diễn biến xảy ra cho đến nay gợi liên tưởng đến những gì đã xảy ra trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh từ năm 2011 mà được gắn cho biệt danh là "Mùa Xuân Ả rập".

Cũng bắt đầu từ làn sóng biểu tình phản đối của người dân để biểu thị sự bất bình đối với chính phủ đã không có quyết tâm và biện pháp chính sách thích hợp để cải thiện tình hình cuộc sống cho người dân. Cũng có yêu cầu đòi hỏi của người dân về thay đổi chính trị thật sự, thể hiện sự mất lòng tin của người dân vào chính phủ và vào cá nhân tổng thống cầm quyền suốt nhiều thập kỷ qua ở hai đất nước này. Cũng có sự ra tay của giới quân sự để phế truất quyền lực của hai vị tổng thống đương nhiệm. Cũng có một giai đoạn quá độ, ở Algeria sẽ có cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/6 tới, ở Sudan là một chính quyền quân sự chuyển tiếp với thời gian dự kiến là 2 năm.

Chính biến ở Algeria và Sudan ảnh hưởng tới cục diện tình chung ở khu vực và chính sách của các tối tác bên ngoài. (Ảnh: internet)Diễn biến tới đây ở hai nơi đó sẽ ra sao và liệu kết cục cuối cùng sẽ như thế nào, sẽ như Tunesia hay Ai cập, Yemen hay Libya hoặc Syria, là những câu hỏi hiện tại thật sự không ai có thể trả lời được. Kịch bản nào cũng đều có thể xảy ra. Cả câu hỏi về liệu chuyện chính biến lần này dừng lại ở Algeria và Sudan hay sẽ còn lây lan sang cả những nước khác nữa như Maroc hay Jordani cũng là câu hỏi chưa thể có được câu trả lời.

Nhưng điều có thể chắc chắn được là các phe phái liên quan đến chính biến ở hai nước này đều không thể không nhìn vào kết cục hiện tại của cái gọi là Mùa Xuân Ả rập kia để xác định phương cách hành động thích hợp. Phía người dân biểu tình phản đối thấy rằng phải đấu tranh đến cùng chứ không chỉ nửa vời và phải đạt được mục tiêu là thay đổi chính trị thật sự chứ không phải trên danh nghĩa. Phía nắm quyền hiện tại cũng thấy rằng nếu trấn áp người biểu tình phản đối thì kết cục rồi sẽ chẳng khác gì như hiện tại ở Libya hay Syria, Ai Cập hay Yemen. Giới quân sự ở cả hai nơi hiện nắm thực quyền công khai như ở Sudan hay đứng ở hậu trường như Algeria nhưng cũng đều biết rằng phải chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự dân cử chứ không thể thiết lập chính quyền độc tài quân sự. Thời điểm tổng tuyển cử vì thế đã được nhanh chóng ấn định ở Algeria và ở Sudan cũng đã nhanh chóng có sự thay đổi nhân sự đứng đầu chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính. Liên minh châu Phi cũng đã gâp áp lực mạnh mẽ để buộc chính quyền lâm thời ở hai nước này nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự dân cử.

Libya, Algeria và Sudan cho thấy cả khu vực rộng lớn này đang ở trong thời kỳ biến động rất cơ bản và mạnh mẽ về chính trị và xã hội, tạo ra cơ hội cho các nước có thể làm được sự khởi đầu mới về chính trị, nhưng các nước có tận dụng được cơ hội ấy hay không lại là chuyện khác. Tunesia đã tận dụng được cơ hội ấy nhưng sự khởi đầu mới vẫn chưa thật sự suôn xẻ. Còn ở tất cả các nước khác trong khu vực thì đều không được như thế. Bây giờ đến lượt Algeria và Sudan. Những diễn biến ở hai nơi này tác động trực tiếp tới cục diện tình hình chung ở khu vực và tác động mạnh mẽ tới chính sách của các đối tác bên ngoài. Trật tự quyền lực và chính trị an ninh ở khu vực này bị xáo trộn lâu nay vì thế chưa thể dễ sớm được ổn định. Algeria và Sudan là hai điểm biến động chính trị mới ở khu vực, nhưng rõ ràng chưa đủ để khuấy động lên làn sóng chính biến mới trong khu vực như đã từng thấy hồi năm 2011.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận