Gia tăng xung khắc thương mại Mỹ - Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc hiện đang xô đẩy nhau tới nấc thang quyết liệt mới trong cuộc xung khắc thương mại song phương.

 

Vòng đàm phán thương mại thứ 11 vừa rồi kết thúc mà không đưa lại thoả thuận gì cho hai bên. Tổng thống Mỹ Donald Trump vì thế đã đưa ra tối hậu thư cho Trung Quốc trong dạng thời gian 1 tháng để đạt thoả thuận với Mỹ, nếu không phía Mỹ sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại 25% cho thêm 325 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ngay khi vòng đàm phán này còn chưa kết thúc, ông Trump đã quyết định nâng mức thuế quan bảo hộ thương mại từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nếu thực hiện thật sự lời đe doạ nói trên sau thời gian 1 tháng nữa thì ông Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại 25% đối với gần như toàn bộ xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Trung Quốc đã tỏ ra không vì bị Mỹ ép và gia tăng mức độ xung khắc thương mại mà chịu đáp ứng những yêu cầu của Mỹ. Trái lại, Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn và cương quyết đáp trả Mỹ theo phương châm "người sao, ta vậy". Trước mắt, Trung Quốc quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại cũng với 25% với 60 tỷ USD giá trị hàng hoá xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Trung Quốc và để ngỏ khả năng tiến hành những biện pháp tiếp theo khác nữa.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (ảnh: PBS)Giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có cuộc xung khắc thương mại đã từ khá lâu nay, nhưng hiện tại mới là đỉnh điểm của gay cấn và quyết liệt. Cả những lần xung khắc thương mại song phương đã xảy ra trong quá khứ cũng không gay gắt như hiện tại. Điều kỳ lạ là hai bên đã tiến hành đàm phán cho tới nay không ít lần và cả hai luôn tỏ ta lạc quan tin tưởng về diễn biến cũng như kết cục cuối cùng của tiến trình đàm phán. Cho nên, căng thẳng và bất hoà hiện tại giữa hai bên gây bất ngờ nhất định.

Ông Trump một mặt luôn đề cao mối quan hệ cá nhân với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mặt khác đồng thời dùng những biện pháp chính sách bảo hộ mậu dịch dồn ép Trung Quốc phải nhượng bộ Mỹ. Ở đây xem ra có hai chuyện trong suy tính của ông Trump. Thứ nhất, ông Trump dường như cho rằng dùng biện pháp áp thuế quan bảo hộ thương mại như thế sẽ buộc Trung Quốc phải giảm xuất siêu trong trao đổi thương mại của Trung Quốc với Mỹ - hiện tại lớn gần gấp 3 lần tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc, tức là sẽ buộc Trung Quốc phải giảm xuất khẩu vào thị trường Mỹ hoặc tăng nhập khẩu từ thị trường Mỹ. Ông Trump nhìn nhận ở đó hiệu ứng và giá trị rất to lớn cho kinh tế và công ăn việc làm ở Mỹ. Thứ hai, ông Trump sử dụng chính cuộc xung khắc thương mại này làm cớ và công cụ để thúc đẩy cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên mọi phương diện.

Nhìn nhận như thế thì sẽ thấy đàm phán thương mại giữa hai đối tác này không đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng kết thúc thành công và nếu có thành công thì thoả thuận đạt được cũng không thể có giá trị thực tiên lâu bền. Mặt khác, Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự đáp trả của Trung Quốc sẽ đa dạng chứ không chỉ có bằng biện pháp áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, tức là có thể khiến phía Mỹ bị tổn hại và thua thiệt đáng kể. Mỹ gây khó và hại cho Trung Quốc như thế nào thì Trung Quốc cũng có thể làm vậy được với Mỹ. Cho nên, cả hai đều sẽ không xô đẩy nhau đi quá xa và quá đà. Họ sẽ còn ăn miếng trả miếng nhau để giữ thể diện, để trang trải nhu cầu đối nội, nhưng luôn để ngỏ khả năng đi vào hoà dịu và thoả hiệp với nhau. Cho nên, Trung Quốc có kiềm chế trong biện pháp chính sách vừa rồi và chính ông Trump cũng đã có phát biểu với hàm ý dịu giọng và chuẩn bị cài số lùi.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận