Láng giềng kề vai sát cánh

Ông Tập Cận Bình tới thăm Nga lần thứ 8 đủ để thấy mối quan hệ giữa hai nước này tốt đẹp như thế nào trong thời gian qua.

 

Kể từ năm 2013 đến nay, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau cả thảy 28 lần, bao gồm những lần thăm chính thức song phương và những lần gặp nhau bên lề các sự kiện đa phương.

Vừa rồi, ông Tập Cận Bình tới thăm Nga lần thứ 8. Qua đó đủ để thấy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này đã phát triển tốt đẹp như thế nào trong thời gian qua. Cấp cao song phương giữa hai nước không còn là chuyện hiếm thấy và giật gân gì nữa. Dù vậy, chuyến thăm Nga vừa rồi của ông Tập Cận Bình vẫn có ý nghĩa rất đặc biệt đối với cả Nga và Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình tới thăm Nga lần thứ 8 đủ để thấy mối quan hệ giữa hai nước này tốt đẹp như thế nào trong thời gian qua. (ảnh: KT)Vào dịp này, Nga và Trung Quốc ký kết hơn 30 thoả thuận về hợp tác kinh tế và thương mại. Chúng có tác dụng giúp hai bên giảm bớt mức độ thiệt hại do xung khắc thương mại của Mỹ gây ra với Trung Quốc và do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU gây ra cho Nga. Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc thì Trung Quốc càng cần đến thị trường Nga cho dù thị trường Nga không thể thay thế được hoàn toàn thị trường Mỹ đối với Trung Quốc. Mỹ và EU trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư thì Nga càng cần hướng về những đối tác lớn và có bất hoà với Mỹ như Trung Quốc. Hay như Mỹ tiến hành cuộc thập tự chinh chống các tập đoàn kinh tế và công nghệ hàng đầu của Trung Quốc thì Nga trở thành đối tác càng thêm quan trọng đối với các tập đoàn này của Trung Quốc. Mỹ cản phá Nga xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sang Tây Âu thì Nga càng cần hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn với Trung Quốc trên lĩnh vực năng lượng. Hai nước này tạo thành cặp bài trùng, hậu thuẫn lẫn nhau như tay phải giúp tay trái.

Ý nghĩa chính trị của việc Trung Quốc và Nga xiết chặt và thúc đẩy quan hệ hợp tác còn chiến lược và to lớn hơn nhiều. Đấy cũng là thông điệp chính mà ông Putin và ông Tập Cận Bình muốn phát đi về phía Mỹ và các đối thủ khác của họ. Ông Putin cũng như ông Tập Cận Bình đã chủ ý dùng những ngôn từ rất to tát để đánh giá và đề cao mối quan hệ song phương, coi nó tốt đẹp nhất từ trước tới nay và hiện tại độc nhất vô nhị trên thế giới. Điều này không hề sai trên thực tế nhưng không vì thế mà không có được tác động rất mạnh mẽ tới Mỹ và các đối thủ của họ. Ông Tập Cận Bình và ông Putin chủ ý biểu lộ cho thiên hạ thấy là Mỹ và các đối thủ kia không thể phân rẽ được Nga với Trung Quốc và hai nước này còn tạo thành trục quan hệ mà mọi chuyện động chạm đến lợi ích chiến lược của Mỹ và đồng minh đều xoay quanh, có nghĩa là Mỹ phải hợp tác chứ không thể chống Nga và Trung Quốc nếu muốn bảo toàn và thực hiện những lợi ích ấy.

Cho nên những quan điểm như chống chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chống chính trị cường quyền và chủ nghĩa bá quyền - mà thực chất ở đây là ám chỉ Mỹ - được ông Putin và ông Tập Cận Bình đồng thanh đề cao và cổ suý. Syria, Iran, Venezuela hay giải trừ vũ khí hạt nhân... đều là những vấn đề và những nơi Mỹ có lợi ích chiến lược và đang can dự trực tiếp nhưng xung khắc lợi ích và bất đồng quan điểm với Nga và Trung Quốc trong khi hai đối tác này lại rất thống nhất quan điểm và phối hợp hành động rất hiệu quả cho đến nay.

Láng giềng kề vai sát cánh, cùng hội cùng thuyền, kẻ tung người hứng và tiền hô hậu ủng sẽ còn là đặc tính cốt lõi và bức tranh chủ đạo cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong tương lai. Ngay sau chuyến đi này của ông Tập Cận Bình, hai người lại gặp nhau ở hội nghị cấp cao của Tổ chức hợp tác Thượng Hải tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan và sau đấy ở hội nghị cấp cao của nhóm G20 ở thành phố Osaka của Nhật Bản. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ đến Osaka. Láng giềng sẽ lại song kiếm hợp bích nếu như họ gặp ông Trump ở đó.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận