Hội nghị cấp cao G7 ở Pháp: Kết quả nhỏ của sự kiện lớn

Hội nghị cấp cao G7 tổ chức tại thành phố biển Biarritz của nước Pháp không đến mức bị thất bại, nhưng cũng chỉ đạt một số kết quả nhỏ.

 

Pháp là nước chủ tịch luân phiên đương nhiệm của nhóm này. Trước khi sự kiện lớn này của nhóm diễn ra đã có 2 điều khiến nó đặc biệt hơn so với những lần trước đó. Thứ nhất là nước chủ nhà quyết định hội nghị cấp cao này của G7 không đưa ra tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị. Xưa nay, hội nghị cấp cao nào của G7 cũng đều kết thúc bằng tuyên bố chung. Thứ hai là ngay trước hội nghị, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp tổng thống Nga Vladimir Putin. Năm 1998, G7 kết nạp thêm Nga trở thành nhóm G8. Năm 2014, những thành viên của G7 cũ quyết định loại Nga ra khỏi khuôn khổ diễn đàn này sau khi Nga tiếp nhận Crimea và vì Nga hậu thuẫn phe ly khai chính phủ ở Ukraine. Ông Macron gặp ông Putin ngay trước khi tổ chức hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 vì Nga tuy không tham dự hội nghị và ở bên ngoài khuôn khổ diễn đàn nhưng lại vẫn đóng vai trò rất quyết định trong việc giải quyết nhiều vấn đề nội dung trên chương trình nghị sự của nhóm này mà nhóm đang tìm giải pháp như Ukraine, Syria, Iran, Venezuela, giải trừ vũ khí hạt nhân, an ninh và hợp tác ở châu Âu…

Ngoài ra, trong nội bộ của nhóm G7 hiện đã một vài thành viên muốn đưa Nga trở lại khuôn khổ diễn đàn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đi đầu trong việc này và thậm chí ở Biarritz còn đã tuyên bố là rất có thể sẽ mời Nga tham dự hội nghị cấp cao thường niên sang năm ở Mỹ khi Mỹ đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của nhóm G7. Ông Macron cần tham vấn ông Putin trước hội nghị để rồi dễ bề quyền biến ở hội nghị trong tất cả các vấn đề nội dung liên quan.

Ngày 24/8, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) chính thức khai mạc tại Biarritz, Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy đã có mặt tại đây để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 (Nguồn: Reuters/Insider).Thành công đáng kể nhất của ông Macron trong việc vận hành hội nghị cấp cao này của G7 là tạo nên được bầu không khí cơ bản khá hài hoà và đồng thuận chứ không đến nỗi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như những lần trước. Người này đã khôn khéo chủ động tranh thủ ông Trump để ông Trump không diễn lại kịch bản "Ta đi đường ta, ai nói gì cũng mặc" như những lần trước tham dự hội nghị.

Hội nghị này không đến mức bị thất bại, nhưng cũng chỉ đạt được một số kết quả nhỏ. Ông Macron đưa ra tuyên bố riêng để thể hiện kết quả của sự kiện. Trong đó về cơ bản vẫn chỉ nhắc lại những quan điểm chung chung lâu nay của cả nhóm về thúc đẩy thương mại thế giới tự do và cởi mở cũng như cải cách Tổ chức thương mại thế giới, về giải quyết tranh chấp thương mại và chống cạnh tranh không lành mạnh, về bảo hộ hiệu quả sở hữu trí tuệ, thực hiện đánh thuế số... Về diễn biến tình hình ở Hồng Công, Libya hay Iran cũng chỉ đều thấy thể hiện quan điểm chung chung, như thế dễ bề thoả thuận giữa các thành viên của nhóm, được tất cả đều "dĩ hoà vi quý" như thế hiện đã đủ để được coi là rất tốt rồi đối với G7.

Tại hội nghị cấp cao này, ông Macron đã đưa vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil vào chương trình nghị sự và vì thế vấp phải phản ứng quyết liệt của tổng thống Brazil Jair Bolsonario. Các thành viên G7 đóng góp 20 triệu USD cho việc cứu hoả và phục hồi rừng nhiệt đới ở Brazil. Ông Bolsonario lúc đầu từ chối khoản viện trợ tài chính này nhưng sau đó đồng ý nhận với điều kiện là đích thân ông Macron phải xin lỗi Brazil.

Sự kiện bất ngờ lớn ở hội nghị này là việc bộ trưởng ngoại giao Iran Javad Zarif đến Biarritz, không tham dự hội nghị nhưng gặp ông Macron và bộ trưởng ngoại giao Pháp. Sau đó, ông Trump tuyên bố sẵn sàng gặp tổng thống Iran Hassan Rohani. Những động thái này khuấy động cảm nhận lạc quan về giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, ông Rohani cho biết điều kiện của Iran vẫn là trước đấy Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran.

Những kết quả như thế chưa giúp G7 có lại được ảnh hưởng và vai trò khi xưa về kinh tế và chính trị thế giới. Khuôn khổ diễn đàn này tiếp tục thoái trào. Chỉ riêng ông Macron được nhiều hơn cả trong G7 cũng như trong EU.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận