Brexit: Càng về cuối càng hỗn loạn

Chính trường nước Anh trở nên hỗn loạn bởi quốc hội Anh không không đồng ý kịch bản Brexit mà không có thoả thuận nào giữa Anh và EU.

 

Người dân Anh ngơ ngác và lo âu trong khi EU chỉ biết lắc đầu ngao ngán về những gì vừa và đang xảy ra trên chính trường nước Anh liên quan đến việc đảo quốc này ra khỏi EU (Brexit).

Theo thoả thuận đã có giữa Anh và EU thì nước Anh sẽ chính thức ra khỏi EU chậm nhất vào ngày 31/10 tới, bất kể khi ấy phía Anh có thông qua hay không thông qua thoả thuận đã đạt được giữa EU và chính phủ Anh - thời thủ tướng nước này là bà Theresa May - về xử lý mọi khía cạnh liên quan đến Brexit và về khuôn khổ quan hệ giữa Anh và EU thời kỳ hậu Brexit. Hiểu theo cách đơn giản là EU đặt ra cho phía Anh một trong hai lựa chọn trước ngày 31/10 là Brexit với thoả thuận đã đạt được kia giữa hai bên và Brexit mà không có thoả thuận nào giữa hai bên.

Brexit và sự trỗi dậy của các đảng cực hữu chỉ là kết luận cho sự suy yếu kéo dài hàng thập kỷ của các đảng chính trị Anh và châu Âu (ảnh: KT)Chính trường nước Anh trở nên hỗn loạn bởi quốc hội Anh không chấp nhận thoả thuận giữa chính phủ của bà May với EU, nhưng cũng không đồng ý kịch bản Brexit mà không có thoả thuận nào giữa Anh và EU. Bà May vì thế buộc phải từ chức. Ông Boris Johnson được bầu làm thủ lĩnh mới của Đảng Bảo thủ và thủ tướng mới ở Anh. Người này chủ trương thực thi Brexit bằng mọi giá cho đến ngày 31/10 tới, tức là yêu cầu EU tiến hành đàm phán lại về Brexit để có được thoả thuận mới về Brexit, nhưng nếu không được thì kiên quyết đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày này.

EU bác bỏ đề nghị của ông Johnson về tiến hành đàm phán lại. Ông Johnson biết rằng quốc hội Anh vừa không chấp nhận thoả thuận cũ giữa chính phủ của bà May với EU vừa không đồng ý Brexit mà không đạt được thoả thuận nào với EU. Vì thế, để tránh bị mang tiếng là hứa thực hiện Brexit chậm nhất đến ngày 31/10 này nhưng không thực hiện, ông Johnson đã dụng chiêu là đề nghị Nữ hoàng Elizabeth II. chấp nhận đóng cửa quốc hội Anh trong thời gian 5 tuần để quốc hội không cản trở được ông Johnson thực hiện Brexit mà không có thoả thuận nào với EU (vì không có được thoả thuận mới với EU).

Trước thời điểm bị buộc phải ngừng hoạt động (ngày 9/9 vừa qua), quốc hội Anh đã kịp thông qua bộ luật mới buộc ông Johnson phải đề nghị EU gia hạn thêm thời gian xử lý Brexit đến ngày 31/1/2020 nếu như cho đến ngày 19/10 tới không đạt được thoả thuận mới với EU về Brexit. Ông Johnson đối phó bằng đề nghị tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào giữa tháng 10 này nhưng hai lần liền bị quốc hội bác bỏ.

Vì thế, hiện có nhiều kịch bản khác nhau cho hồi kết của Brexit. Ông Johnson có thể thực hiện cam kết đưa nước Anh chính thức rút khỏi EU vào ngày 31/10 tới nhưng sẽ phải chấp nhận bị khởi kiện về vi phạm luật. Ông Johnson có thể đề nghị EU gia hạn thời gian thực hiện Brexit như quốc hội yêu cầu nhưng như thế sẽ bị coi là hứa một đằng làm một nẻo. Ông Johnson có thể sẽ từ chức để tránh vừa vi phạm pháp luật vừa không bị coi là thất hứa và mở ra cơ hội cho có ai đó khác ở phe đối lập lên tạm nắm quyền và đề nghị EU gia hạn thêm thời gian thực hiện Brexit.

Dù kịch bản nào xảy ra thì việc nước Anh có tổng tuyển cử trước thời hạn là việc không còn có thể tránh khỏi. Câu hỏi để ngỏ chỉ là cuộc bầu cử quốc hội mới này sẽ diễn ra trước hay sau Brexit. Ông Johnson muốn tận dụng và sử dụng chuyện Brexit để tạo tiền đề và gây dựng cơ may thuận lợi nhất cho thắng cử ở cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn chứ còn Brexit theo kịch bản nào thì cũng đều không quan trọng. Quốc hội Anh lại không muốn để cho ông Johnson tự tung tự tác như vậy. Trên đảo quốc này vì thế mới có cuộc đấu tranh quyền lực xưa nay chưa từng thấy giữa phe hành pháp và phía lập pháp.

Cũng chính vì mọi thủ thuật chính trị và luật pháp được cả hai bên vận dụng nên chuyện Brexit càng về cuối mới càng thêm hỗn loạn và bất định đến như thế.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận