Vương triều bị điểm huyệt

Ả rập Xê út bị tổn thiệt về kinh tế. Nhưng nguy hại còn hơn thế đối với vương triều này là sự bộc lộ những điểm yếu dễ bị tổn thương nhất.

 

Kể từ khi cùng một số đồng minh khác trong khu vực vùng Vịnh phát động cuộc chiến tranh ở Yemen để ngăn chặn người Houthi nắm quyền ở đất nước này, Ả rập Xê út đã nhiều lần bị lực lượng vũ trang của người Houthi ở Yemen tấn công bằng tên lửa từ Yemen.

Nhưng cuộc tấn công mới rồi mà lực lượng vũ trang người Houthi ở Yemen đã tự nhận trách nhiệm nhằm vào khu công nghiệp lọc dầu lớn nhất ở Ả rập Xê út gây thiệt hại lớn hơn cả và tai hại hơn cả về mọi phương diện đối với vương triều này. Dù vũ khí được sử dụng có là tên lửa hành trình hay thiết bị bay không người lái, dù tác giả của cuộc tấn công là lực lượng vũ trang người Houthi ở Yemen như họ tự nhận hay là Iran như Mỹ và Ả rập Xê út ngay lập tức quả quyết thì cuộc tấn công cũng vẫn đều nhằm vào một trong những yết hầu của Ả rập Xê út.

lực lượng Houthi (Yemen) phóng tên lửa đạn đạo đánh vào một sân bay phía nam Ả rập Xê út (ảnh: KT)Trung bình mỗi ngày vương triều này tung ra thị trường khoảng 10 triệu thùng dầu lửa (mỗi thùng 159 lít). Cuộc tấn công vừa rồi đã làm cho vương triều này chỉ còn xuất khẩu được khoảng 4,3 triệu thùng. Giá dầu lửa trên thị trường tăng không nhiều và biến động không dữ dội sau sự kiện nói trên bởi kinh tế thế giới hiện tăng trưởng không năng động nên nhu cầu về dầu lửa không cao, các nước dự trữ dầu lửa dư thừa và Mỹ còn mở kho dự trữ chiến lược về dầu lửa. Nhưng nếu tình hình hiện tại kéo dài thêm nhiều tuần nữa và nếu các giếng khoan dầu hay trung tâm hoá lọc dầu lửa lại bị tấn công thì cục diện tình hình sẽ nhanh chóng trở nên khác trước rất cơ bản.

Ả rập Xê út là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực vùng Vịnh và thù địch với Iran không kém gì Mỹ. Bởi thế, không có gì là khó hiểu khi Mỹ và Ả rập Xê út quy kết ngay lập tức trách nhiệm về vụ việc vừa rồi cho Iran. Quan hệ giữa hai nước này với Iran vì thế trở nên căng thẳng và thù địch hơn. Họ sẽ tìm mọi cách và bằng chứng để chứng minh Iran chủ mưu hoặc tiếp tay cho kẻ khác tấn công phá hoại các giếng khoan dầu và trung tâm hoá lọc dầu khí của Ả rập Xê út.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ có khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ả rập Xê út mà còn tuyên bố sẽ thẳng tay trừng phạt thủ phạm. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, ông Trump không dám vội vàng khẳng định chắc chắn Iran là thủ phạm. Chỉ nghi ngờ hay cáo buộc không thôi thì chưa thể đủ để được coi là có chứng cứ xác thực và thuyết phục. Ông Trump sẽ phải rất thận trọng với việc tấn công quân sự vào Iran để trả đũa thay cho Ả rập Xê út đơn giản vì nếu hành động như thế Mỹ cũng sẽ phải trả giá rất đắt và không phải chỉ có một lần.

Bởi thế, việc Mỹ tấn công quân sự Iran là kịch bản gần như sẽ không xảy ra, nếu như không muốn khẳng định là sẽ không xảy ra. Cái khó hiện tại của ông Trump là tìm ra được biện pháp chính sách thích hợp cho việc vừa trả đũa được Iran lại vừa không gây đụng độ quân sự trực tiếp với Iran.

Ả rập Xê út bị tổn thiệt về kinh tế. Nhưng nguy hại còn hơn thế đối với vương triều này là sự bộc lộ những điểm yếu dễ bị tổn thương nhất. Vương triều gây chiến tranh ở nơi xa và giờ bị chiến tranh lây lan đến chính quốc gia mình. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Ả rập Xê út được coi là rất hiện đại nhưng lại không đủ khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình hay vật thể bay không người lái. Những thiết bị bay rẻ tiền dễ chế tạo lại có thể gây ra thiệt hại lớn cho Ả rập Xê út.

Vương triều này hiện hoàn toàn chưa có được sự chuẩn bị thích hợp và hiệu quả cần thiết để có thể bảo vệ được những khu vực trọng yếu của đất nước và ứng phó với kiểu tiến hành chiến tranh và xung đột vũ trang mới là thông qua thiết bị bay không người lái. Và còn bị tổn hại nặng nề về thể diện và uy danh quốc tế.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận