Cục diện ở Syria thay đổi

Mỹ triệt thoái quân đội ra khỏi Syria. Cục diện tình hình chính trị, quân sự và an ninh ở Syria sẽ thay đổi rất cơ bản.

 

Chủ ý đã được tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên cáo từ trước đó, nhưng việc thực hiện cụ thể thì giờ mới bắt đầu: Mỹ triệt thoái quân đội ra khỏi Syria. Cục diện tình hình chính trị, quân sự và an ninh ở Syria vì thế sẽ thay đổi rất cơ bản, giống như một thế cờ chiến lược mới đã xuất hiện đối với tất cả các bên liên quan ở Syria và đến Syria.

Mỹ tham chiến trực tiếp ở Syria với lý do chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Mỹ dùng không quân và phóng tên lửa, nhưng có cả quân đội Mỹ được triển khai trên lãnh thổ Syria. Trong thực chất, Mỹ vừa chống IS ở Syria vừa hậu thuẫn phe nổi dậy chống chính phủ để lật đổ tổng thống Syria Bashir al-Assad.

Đồng minh quân sự và chính trị chính của Mỹ ở Syria là liên minh Lực lượng Dân chủ Syria mà lực lượng vũ trang YPG của người Kurd ở Syria đóng vai trò chính. Người Kurd chiếm lĩnh vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía bắc Syria, giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng YPG lại là mục tiêu tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bởi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng này hậu thuẫn đảng PKK của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chừng nào quân đội Mỹ còn hiện diện ở Syria và chừng nào Mỹ còn sát cánh kề vai với YPG ở Syria, chừng đó Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể tiêu diệt được YPG và đè bẹp được ý chí quyết tâm của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran về thành lập nhà nước độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ riêng của người Kurd ở khu vực này. Đồng thời, chừng đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể thực hiện được ý định thiết lập hành lang an ninh trên lãnh thổ Syria dài suốt 480km dọc biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria với chiều rộng 30km. Thổ Nhĩ Kỳ muốn có hành lang này để đảm bảo an ninh và hồi hương khoảng 2,5 triệu người Syria hiện tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một người lính Mỹ đứng bảo vệ trong một cuộc tuần tra chung với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại làng al-Hashisha của Syria (ảnh: KT)Vì thế, việc ông Trump thực hiện quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria cùng với cam kết không chống đối Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội vào Syria lần thứ ba - sau mùa hè năm 2016 và đầu năm 2018 - trong thực chất là việc buông bỏ YPG cũng như SDF ở Syria. Những bên được lợi nhất đương nhiên là phía chính phủ của ông Assad ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vì như thể được bật đèn xanh cho lần thứ 3 đưa quân đội tràn sang lãnh thổ Syria, Nga và Iran vì bớt được một bên tham chiến ở Syria, tiện bề hơn rất nhiều với việc xử lý những vấn đề chính trị an ninh, quân sự ở Syria cũng như thúc đẩy giải pháp chính trị hoà bình cho Syria.

Việc Mỹ rút quân khỏi Syria đã làm cho nội bộ chính trường ở Mỹ bị phân hoá. Ông Trump nhằm trước hết vào việc thực hiện cam kết vận động tranh cử năm 2016 để bảo toàn cơ may được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới ở Mỹ nhưng cả phe Đảng Cộng hoà của ông Trump lẫn phía Đảng Dân chủ ở Mỹ đều thiên về quan điểm cho rằng như thế có nghĩa là Mỹ đã bị mất cả chì lẫn chài ở Syria, vừa để mất vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở Syria vừa để cho những đối thủ và địch thủ của Mỹ là Nga và Iran được lợi đơn, ích kép ở Syria.

EU đặc biệt lo ngại và bất hoà với ông Trump về việc này bởi cả lo ngại về triển vọng Nga và Iran thêm thắng thế ở Syria, nhưng bởi lo ngại trước hết và nhiều nhất về rủi ro an ninh mới trực tiếp đối với EU. Mỹ rút quân khỏi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào YPG ở Syria cũng như hồi hương người tỵ nạn Syria về khu vực hành lang an ninh mới sẽ tạo nguy cơ hình thành dòng người tỵ nạn đổ về các nước thành viên EU và các phần tử chiến binh của IS xâm nhập vào EU. Ở đây, ông Trump dùng việc triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi Syria cũng còn nhằm đẩy EU vào mối lo ngại ấy mà buộc EU phải đóng góp nhiều hơn về quân sự và tài chính cùng Mỹ giải quyết vấn đề Syria. Một cục diện chính trị an ninh mới đã hình thành ở Syria.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận