Bolivia sẽ về đâu?

Câu hỏi hiện tại đáng được quan tâm hơn cả bây giờ sau khi Tổng thống Evo Morales từ chức là đất nước Bolivia rồi đây sẽ đi về đâu?

 

Năm 2019 sắp đi qua đầy biến động rất mạnh mẽ đối với khu vực Mỹ Latinh. Đỉnh điểm gần đây nhất của những chuyển biến ấy là tình hình chính trị xã hội và quyền lực nhà nước ở Bolivia.

Sau hơn 13 năm cầm quyền liên tục, tổng thống nước này Evo Morales đã từ chức và được chính phủ Mexico đón sang tỵ nạn. Đánh giá về thời kỳ cầm quyền không ngắn này của ông Morales ở Bolivia là chuyện của lịch sử và còn cần thời gian. Cả về phân tích diễn biến tình hình trong thời gian vừa qua ở Bolivia chắc chắn cũng có những quan điểm khác nhau ở bên trong cũng như bên ngoài Bolivia. Câu hỏi hiện tại đáng được quan tâm hơn cả bây giờ là đất nước này rồi đây sẽ đi về đâu?

Tổng thống Bolivia Evo Morales. (Ảnh: Reuters)Trước mắt chỉ thấy có hỗn loạn và bạo lực cũng như chưa thấy có được lộ trình chính trị có thể dẫn dắt đất nước này ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại. Bà chủ tịch nghị viện tự nhận về trách nhiệm làm tổng thống tạm quyền và tuyên bố sẽ tiến hành bầu cử tổng thống mới. Nhưng không ai biết khi nào sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống mới ấy, bầu cử tổng thống mới theo luật pháp nào và cơ quan nào sẽ đứng ra tổ chức cuộc bầu cử tổng thống này. Không ai biết những ai sẽ ra ứng cử tổng thống mới và cũng không thể nói được phe tả hay cánh hữu sẽ thắng thế ở lần bầu cử tổng thống mới này.

Chính trường và nội bộ xã hội đất nước này bị chính những diễn biến vừa rồi về chính trị quyền lực và chính trị xã hội phân hoá sâu sắc đến mức Bolivia chắc chắn sẽ cần thời gian dài chứ không ngắn để khắc phục nếu như sự phân hoá ấy có thể được khắc phục. Hiện tại ở đó chẳng khác gì một cái vòng luẩn quẩn. Chừng nào còn gia tăng bạo lực và hỗn loạn thì chừng đó không thể khởi đầu được thời kỳ chính trị mới mà không khởi đầu được thời kỳ chính trị mới cho đất nước thì không thể chấm dứt được tình trạng bạo lực và hỗn loạn gia tăng trên đất nước.

Biểu tình tại thủ đô La Paz, Bolivia, ngày 9/11/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)Ở Bolivia cũng như ở tất cả các nước khác trong khu vực Mỹ Latinh kể từ sau khi chấm dứt những chế độ độc tài quân sự và từ khi khôi phục nền dân chủ luôn có cuộc giằng xé quyền lực không khoan nhượng giữa cánh tả và cánh hữu, luôn có sự thay thế lẫn nhau nhanh chóng và thường xuyên ở vị thế cầm quyền giữa hai phe cánh chính trị này. Ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế xã hội của các nước thường không được lâu bền và liên tục chính vì thế. Trên phương diện này, Bolivia hiện chỉ là trường hợp mới nhất chứ không phải duy nhất.

Những diễn biến cho tới nay ở Bolivia trước hết là chuyện nội bộ của Bolivia, nhưng không phải không chịu tác động cũng rất mạnh mẽ từ bên ngoài, từ biến động chính trị xã hội ở những nước trong khu vực như Argentina, Brazil, Chile, Uruguay, Ecuador, Venezuela... và từ phía Tổ chức các quốc gia châu Mỹ. Phe cầm quyền ở các nơi này chắc chắn đã phải rút ra cho họ những bài học cần thiết để duy trì vị thế cầm quyền. Chừng nào bên trong không được yên ổn thì chừng đó bên ngoài vẫn luôn có được cơ hội và điều kiện để can thiệp trực tiếp. Cho nên muốn ngăn cản sự can thiệp từ bên ngoài thì việc cần phải làm trước hết là giữ yên ổn ở bên trong.

Tình hình chính trị xã hội ở khu vực Mỹ Latinh trong năm 2019 cho thấy ở khắp khu vực vẫn còn quá nhiều vấn đề cấp thiết chưa được giải quyết động chạm đến cả nhà nước pháp quyền và nền dân chủ lẫn chuyện quyền lực nhà nước và đời sống thường nhật của người dân cũng như đến chuyện hợp tác và liên kết châu lục. Khu vực này vẫn bị phân bè chia phái theo ý thức hệ và thái cực chính trị. Vẫn còn không ít vấn đề có nguồn gốc từ quá khứ lịch sử chưa được giải quyết dứt điểm ổn thoả. Cho nên phía trước đang là tương lai bất định đối với Bolivia.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận