Bộ tứ họp lại ở Paris

Lần đầu tiên kể từ năm 2016, cái gọi là Thể thức Normandy về Ukraine lại có cuộc gặp cấp cao. Sự kiện này được tiến hành ở Paris (Pháp).

 

So với những lần gặp cấp cao trước đó thì chỉ có một nửa thành viên tham dự là cũ, cụ thể là thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Nga Vladimir Putin. Nửa còn lại bao gồm người mới là tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Việc sau hơn ba năm bộ tứ này mới có thể họp lại ở cấp cao nhất được để ý trên thế giới vì kỳ vọng chung gửi gắm tới đó là có được giải pháp chính trị hoà bình cho mọi vấn đề ở Ukraine và liên quan đến Ukraine. Nhưng còn đáng được chú ý hơn thế nữa là việc ông Putin và ông Zelensky lần đầu tiên ngồi vào cùng bàn thương thảo.

Lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy. (ảnh: TTXVN)Ở khuôn khổ diễn đàn này, Pháp và Đức chỉ đóng vai trò trung gian hoà giải trong khi quyết định tất cả vẫn là Nga và Ukraine mà cho tới nay cũng như cả trong thời gian tới thì giải pháp chính trị hoà bình kiểu gì cũng đều phụ thuộc trước hết vào ông Putin. Ông Zelensky đặt ra ưu tiên chính sách hàng đầu cho nhiệm kỳ cầm quyền của mình ở Ukraine là giải quyết dứt điểm vấn đề nội chiến và ly khai. Người này xác định cách tiếp cận thực tế nhất là cải thiện quan hệ của Ukraine với Nga và coi việc gây dựng được kênh gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với ông Putin là khâu then chốt nhất.

Từ sau khi chính thức nhậm chức tổng thống ở Ukraine, ông Zelensky đã rất chủ động làm việc này và đã đạt được những kết quả ban đầu nhất định. Để được ông Putin đồng ý tới Paris tham dự cuộc gặp cấp cao vừa rồi ở Paris, ông Zelensky đã phải đáp ứng mọi điều kiện tiên quyết của ông Putin.

Bốn người nói trên đã có nhiều vòng trao đổi với nhau trong tổng cộng 8 giờ đồng hồ ở Paris và sau đấy đưa ra tuyên bố chung. Nếu coi những nội dung trong bản tuyên bố ấy là kết quả của sự kiện thì những kết quả ấy vừa chưa được nhiều vừa chưa có được tính cơ bản. Ngừng bắn được thoả thuận kéo dài thời gian hiệu lực đến cuối năm thì từ nay đến thời điểm cuối năm đâu có dài. Việc kiểm tra và giám sát các bên liên quan thực thi ngừng bắn lại không được dàn xếp để ngừng bắn có hiệu lực thật sự trên thực tế.

Thoả thuận về trao trả tù binh giữa phía chính phủ Ukraine và phía các lực lượng ly khai nổi dậy chống chính phủ ở Ukraine tuy có ý nghĩa tích cực nhưng lại vẫn chưa thể đủ để được coi là bước chuyển mang tính khai thông đột phá trong tiến trình hướng tới giải pháp chính trị hoà bình cho các vấn đề ở Ukraine và liên quan đến Ukraine. Ông Macron cho biết cuộc gặp tới của bộ tứ này sẽ diễn ra sau 4 tháng nữa nhưng điều này là ý tưởng và mong mỏi của ông Macron nhiều hơn là kết quả của sự kiện bởi không hề thấy được đề cập đến trong tuyên bố chung.

Sự kiện đã diễn ra và ông Putin và ông Zelensky đã gặp nhau, cho dù không gặp riêng, ở Paris nhưng kết quả như nêu trên mới chỉ đủ để cho khuôn khổ diễn đàn này hoạt động trở lại chứ chưa giúp cho tiến trình tiến triển thêm.

Tại Paris vừa rồi, ông Zelensky tuy không phải nhượng bộ thêm đáng kể gì cho Nga nhưng trong thực chất lại chưa nhận về được gì đáng kể hơn trước đấy. Cả mục đích gây dựng kênh quan hệ trực tiếp với ông Putin xem ra vẫn chưa đạt được. Trong khi vai trò của bà Merkel rất nhạt nhoà thì ông Macron lại nổi bật trên cương vị sứ giả trung gian hoà giải.

Chỉ có ông Putin là được lợi nhiều hơn cả khi vừa tăng được vị thế và ảnh hưởng vừa duy trì được khả năng dẫn dắt và chi phối tiến trình này. Không phải ông Macron hay bà Merkel mà cũng vẫn chính ông Putin tiếp tục quyết định khuôn khổ diễn đàn này rồi đây sẽ hoạt động như thế nào. Nhưng dù sao thì sự kiện này ở Paris cũng mở ra triển vọng mới cho cả khuôn khổ diễn đàn này lẫn mối quan hệ giữa Nga và Ukraine.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận