Dịch bệnh hoành hành Âu - Mỹ

Dịch bệnh hoành hành làm cho cả Mỹ lẫn các nước châu Âu bị tổn hại uy danh nhiều.

 

Những ngày này và cả trong những ngày tới, châu Âu và Mỹ chứ không phải Trung Quốc nữa là tâm điểm diễn biến của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Sau những tháng ngày bình tâm yên chí là dịch bệnh không thể lây lan đến, cả hai nơi này bây giờ đầu tắt mặt tối với chuyện đối phó dịch bệnh. Bị động và hỗn loạn là tình cảnh chung hiện tại có thể thấy được ở cả hai nơi đó. Số người nhiễm dịch bệnh và chết vì nhiễm dịch bệnh tiếp tục tăng nhanh. Cách đối phó dịch bệnh ở cả hai nơi này khá giống nhau nhưng lại không hẳn như ở những nơi đến nay đã có thành tựu nhất định trong việc đối phó dịch bệnh này.

Châu Âu và Mỹ giống nhau ở biện pháp đóng cửa biên giới quốc gia và nhiều nước đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Đối với EU, những biện pháp chính sách này đều rất đau đớn. Chúng làm cho cả Mỹ lẫn các nước châu Âu bị tổn hại uy danh nhiều. Chúng bộc lộ thực trạng là Mỹ và châu Âu lúc đầu đã quá coi thường dịch bệnh này và chủ quan về nó. Tất cả đều bị động đối phó như nhau.

Dịch bệnh Covid-19 khiến cho EU bộc lộ rõ những điểm dễ bị tổn thương mà trong tình cảnh bình thường không thể nhận ra được. (Ảnh: internet)

Mỹ và châu Âu giống nhau ở chỗ chủ trương làm dịch bệnh lây lan chậm lại chứ không tập trung trước hết vào việc cách ly triệt để nguồn dịch bệnh. Ở Anh lại còn có chủ trương "miễn dịch cộng đồng". Mối lo ngại chính của chính quyền các nước này không phải là chạy chữa cho những người bị mắc dịch bệnh mà là không để cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế bị sụp đổ. Chưa khi nào như ở thời dịch bệnh này, hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế ở Mỹ và các nước thành viên EU bộc lộ những yếu kém và bất cập rõ nét đến như vậy. Sách lược của họ là cố gắng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong hy vọng thời gian tới sẽ có được vắc-xin phòng chống dịch bệnh.

Mỹ và các nước châu Âu trong đối phó dịch bệnh này giống nhau ở không ít biện pháp chính sách mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa và dân túy. Ở đâu cũng thấy có sự sẵn sàng của chính phủ chi ra không tiếc tiền cho những chương trình kích cầu kinh tế, tín dụng ưu đãi và không giới hạn. Vấn đề chỉ là chừng nào dịch bệnh chưa bị đẩy lùi thì chừng ấy tất cả những chương trình kia đâu đã có thể phát huy tác dụng được mà hiện tại chưa thấy có gì để đảm bảo rằng Mỹ và các nước châu Âu rồi đây sẽ nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh này. Biện pháp chính sách nghe thì thấy rất hay và đúng, nhưng trong thực chất lại chỉ là khúc nhạc cho tương lai xa chứ không phải là giải pháp đối sách cần thiết hiện tại.

Dịch bệnh này đã bắt đầu tác động trực tiếp đến nhịp độ tăng trưởng kinh tế và thương mại cũng như tới tâm lý chung của người dân trong xã hội Mỹ, vì thế ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm nay ở Mỹ. Nó trở thành mối nguy hiểm và rủi ro mới thật sự đối với khả năng được tái đắc cử của tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Thách thức đối với ông Trump bây giờ là phải nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh và khắc phục những tác động tiêu cực của nó tới nhịp độ tăng trưởng kinh tế và thương mại của Mỹ.

Dịch bệnh này chỉ đến mức độ hiện tại thôi cũng đã huỷ hoại không ít thành tựu phát triển quan trọng mà EU đã đạt được. Hiệp ước Schengen đang rệu rã nghiêm trọng. Thị trường nội địa chung của EU hiện gặp nhiều trắc trở. Các thành viên EU tự lo liệu lấy cho chính mình và gần như không tham vấn đủ mức hay hợp tác hiệu quả với nhau trong đối phó dịch bệnh. Dịch bệnh này khiến cho EU bộc lộ rõ những điểm dễ bị tổn thương mà trong tình cảnh bình thường không thể nhận ra được.

Cho nên có thể thấy dịch bệnh này để lại dấu vết rất rõ ràng với hệ lụy rất sâu sắc đối với cả Mỹ và châu Âu. Đối với các nước khác và thế giới cũng như vậy./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận