Thế giới đối phó dịch bệnh

Dịch bệnh Covid-19 đã lây lan khắp mọi nơi trên thế giới và buộc cả thế giới phải đối phó nó giống như trong cuộc chạy đua để tiếp tục sinh tồn.

 

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra hiện chi phối mọi suy nghĩ và hành động trước hết của con người và nhà nước trên thế giới. Nó đã lây lan ra khắp mọi nơi trên thế giới và buộc cả thế giới phải đối phó nó giống như trong cuộc chạy đua để tiếp tục sinh tồn. Mỗi nơi có cách ứng phó khác nhau.

Tuy bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc nhưng bây giờ tâm điểm chính của dịch bệnh không còn là Trung Quốc nữa mà đã dịch chuyển sang Mỹ và châu Âu. Tuy chưa biết đến khi nào dịch bệnh mới gia tăng đến đỉnh điểm ở Mỹ và châu Âu nhưng hiện tại thôi thì dịch bệnh ở hai nơi này đã vượt quá mức độ trầm trọng ở Trung Quốc.

Cả Mỹ và châu Âu đều đã phải trả giá rất đắt cho việc quá coi thường dịch bệnh và quá tin tưởng vào năng lực ứng phó dịch bệnh. Chậm nhất cho tới khi thấy Mỹ và châu Âu bối rối và hỗn loạn đến bất lực trong việc đối phó dịch bệnh, những quốc gia khác và vùng nơi khác vốn tới khi đấy vẫn bình chân như vại trước dịch bệnh này đều không dám coi thường nó nữa và đều phải tập trung vào việc đối phó dịch bệnh.

Cả Mỹ và châu Âu đều đã phải trả giá rất đắt cho việc quá coi thường dịch bệnh. (Ảnh: KT)Các nước và các nơi đều áp dụng những biện pháp chính sách rất quyết liệt như tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cách ly bộ phận dân cư, cấm tụ tập đông người, áp đặt cách ly tại nhà, đóng cửa các trường học, ngừng mọi hoạt động công cộng... Chưa khi nào trên khắp thế giới lại cùng lúc đồng loạt thấy có tình trạng như vậy. Hoạt động đối ngoại quốc tế cũng giảm mức độ và dịch chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến.

Đồng thời với những biện pháp hành chính được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và rồi dần đẩy lùi dịch bệnh, chính phủ nhiều nước trên thế giới đưa ra những chương trình tài chính quốc gia mới nhằm xử lý hệ lụy xã hội của dịch bệnh và hỗ trợ giới kinh tế vượt qua thách thức bởi dịch bệnh.

Tại hội nghị cấp cao trực tuyến đầu tiên vừa rồi của nhóm G20 được tổ chức theo đề nghị của Ả rập Xê út trên cương vị chủ tịch luân phiên đương nhiệm của nhóm, các bên tham gia đã cam kết cùng nhau chi ra 5.000 tỷ USD cho việc ứng phó dịch bệnh và khắc phục hệ lụy của dịch bệnh. Các bên tham dự hội nghị này đạt được sự nhất trí nhận thức là tăng cường hợp tác để đẩy lùi dịch bệnh và khôi phục nhịp độ tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới sau dịch bệnh.

Đáng chú ý là chương trình tài chính 2.000 tỷ USD của chính phủ Mỹ, việc EU hủy bỏ tạm thời những chế tài về ổn định và tăng trưởng áp dụng cho các thành viên EU tham gia Liên minh kinh tế và tiền tệ chung (tham gia đồng Euro) để các nước thành viên có thể tăng mức độ vay nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước hàng năm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất cơ bản xuống chỉ còn 0,25%, tức là thấp như bằng 0. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đưa ra chương trình tín dụng 750 tỷ Euro cho các nước sử dụng đồng tiền chung Euro.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến tăng gấp đôi khung tín dụng cho các nước thành viên từ 50 tỷ lên 100 tỷ USD. Chính phủ nhiều quốc gia cũng có chương trình tài chính nhằm hai mục đích trên như Đức là 1.200 tỷ Euro, Nhật Bản có quy mô 459 tỷ Euro, của Anh là 418 tỷ Euro, của Italy cũng được 375,5 tỷ Euro, của Pháp là 345 tỷ Euro, của Tây Ban Nha là 200 tỷ Euro, của Trung Quốc 65 tỷ Euro, của Ấn Độ là 20,5 tỷ Euro, của Nga là 3,6 tỷ Euro.

Qua đó có thể thấy nhận thức chung hiện tại là việc đối phó dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và đẩy lùi dịch bệnh cấp thiết nhất và phải được dành cho ưu tiên hàng đầu, nhưng ngay từ bây giờ cũng đã cần phải hướng cái nhìn vươn tới thời kỳ sau dịch bệnh. Dịch bệnh này làm thay đổi cả thế giới trên mọi phương diện./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận