Giữa chừng thay cộng sự

Cách thức vốn được các tổng thống Pháp rất hay sử dụng là dùng thủ tướng làm hình nhân thế mạng - bằng cách cải tổ chính phủ và thay thủ tướng.

 

Cuộc cải tổ chính phủ vừa rồi có quy mô lớn nhất và mức độ sâu rộng nhất trong thời gian cầm quyền hơn ba năm rưỡi đến nay của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Thủ tướng Edouard Philippe bị thay thế bằng ông Jean Castex, thị trưởng một thành phố nhỏ và cho tới nay gần như chưa nổi danh gì trên chính trường nước Pháp. Khá nhiều thành viên chính phủ cũng bị thay thế.

Ở nước Pháp, tổng thống nắm thực quyền và quyết định đường lối chính sách trong khi thủ tướng chỉ thừa hành. Cũng chính vì trật tự quyền lực và sự phân vai quyền lực như thế nên tổng thống đương nhiệm thường thay thế thủ tướng mỗi khi cần có hình nhân thế mạng cho những thất bại của họ trong cầm quyền hoặc mỗi khi cần phát đi thông điệp tới cử tri về một sự khởi đầu chính trị mới, định hướng chính sách mới mà phải cần có bộ máy nhân sự chính phủ mới để thực hiện. Nhưng cả khi uy tín cá nhân của thủ tướng nổi trội hơn sự tín nhiệm của cử tri dành cho tổng thống thì thường thủ tướng cũng bị tổng thống thay thế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng cũ Edouard Philippe được nhìn nhận là người rất trung thành với ông Macron, chưa lần nào biểu lộ ra bên ngoài lấn át tổng thống và luôn tế nhị ở tuyến sau chứ không hề "cầm đèn chạy trước ô tô" hay đánh bóng tên tuổi của mình. Hiện tại có thể thấy một tình thế rất thú vị ở nước Pháp là uy tín của ông Macron trong cử tri Pháp suy giảm còn mức độ tín nhiệm mà cử tri Pháp dành cho ông Philippe lại cao và tăng. Chỉ làm tốt trọng trách của thủ tướng không thôi, ông Philippe đã, dù không chủ ý hay cố ý thì cũng vậy, tạo sự khác biệt quá lớn với ông Macron trên phương diện được dân chúng tín nhiệm ở Pháp so với ông Macron nên gây bất lợi cho ông Macron và đồng thời còn trở nên nhân tố rủi ro lớn đối với ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở đất nước này sẽ diễn ra trong năm 2022.

Vì thế, việc ông Philippe bị thay thế trên cương vị thủ tướng Pháp không hề gây bất ngờ gì ở Pháp và ai ai cũng cho rằng ông Philippe rồi đây sẽ trở lại và sẽ còn lợi hại hơn hiện tại. Những điều này đủ để lý giải vì sao ông Macron lựa chọn ông Castex thay thế ông Philippe, dùng một chính trị gia chưa nổi danh thay thế một chính trị gia rất nổi danh. Ông Macron cần cộng sự trung thành nhưng trước hết cần cộng sự không nổi trội hơn tổng thống trong con mắt và đánh giá của người dân và dư luận.

Ở nước Pháp bây giờ đã lắng chìm hết rồi cái hào khí về một sự khởi đầu chính trị mới cho đất nước mà ông Macron đã khuấy động lên được với tập hợp lực lượng riêng của mình và với việc đắc cử tổng thống. Thành quả cầm quyền mà người này đã đạt được cho đến nay không có nhiều và trong thực chất không cơ bản gì cả về đối nội lẫn đối ngoại. Ông Macron bị nhìn nhận ở trong cũng như bên ngoài nước Pháp là không thành công gì cho lắm ở việc xử lý những cuộc khủng hoảng chính trị xã hội nội bộ và đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra hay ở việc gây dựng vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới và châu lục mới cho nước Pháp.

Cách thức vốn được các tổng thống Pháp rất hay sử dụng là dùng thủ tướng làm hình nhân thế mạng - bằng cách cải tổ chính phủ và thay thủ tướng - bây giờ được ông Macron sử dụng với kỳ vọng giúp xoay chuyển được tình thế mà nếu không làm vào thời điểm hiện tại thì sẽ quá muộn bởi nếu không làm bây giờ thì sự khác biệt về mức độ tín nhiệm trong dân chúng giữa tổng thống (Macron) và thủ tướng (Philippe) sẽ càng ngày càng thêm lớn, như vậy càng thêm bất lợi và nguy hại cho ông Macron, và sẽ càng có ít thời gian để kịp xoay chuyển tình thế trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tới ở Pháp. Một người bóc ngắn cắn dài. Một người bỏ cái trước mắt để nhằm tới cái sau này./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận