Châu Âu với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Đức công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Châu Âu khác Bộ Tứ kim cương thế nào trong cách tiếp cận Trung Quốc?

 

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực đang đóng vai trò then chốt của tình hình địa chính trị thế giới hiện nay và đang là “điểm đến” sôi động của ngoại giao quốc tế. Đức – với vai trò chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố hướng dẫn chính sách hướng tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Pháp cũng vừa tiến hành cuộc đối thoại đầu tiên với các đối tác Ấn Độ và Australia với trọng tâm nhấn mạnh hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Vậy điều gì khiến các nước châu Âu “chuyển hướng” chính sách và dành sự quan tâm đến khu vực này ở thời điểm hiện nay? Ưu tiên của châu Âu trong hợp tác với các nước ở Ấn Độ- Thái Bình Dương có gì đáng chú ý?

Đức công bố chính sách hướng tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Một chi tiết rất đáng chú ý đó là việc cách đây không lâu, chính phủ Đức đã công bố một hướng dẫn về chính sách của nước này với khu vực Ấn Đô-Thái Bình Dương. Đây là một sự kiện rất quan trọng, có thể coi là một cột mốc cực kỳ lớn về chính sách đối ngoại của nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Thứ nhất, việc nước Đức đưa ra các đường hướng chiến lược với Ấn Độ-Thái Bình Dương là một bước đi nữa khẳng định một thực tế đã được định hình từ 2 năm qua tại châu Âu, đó là nước Đức đang thức tỉnh trong vai trò của một cường quốc địa chính trị, chứ không còn đơn thuần là một cường quốc kinh tế. Đây là điều hết sức đặc biệt bởi trong suốt nhiều thập kỷ qua, nước Đức thường giữ đường lối đối ngoại quốc phòng khá kín tiếng, ít khi chủ động can dự và gánh vác trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế. Ưu tiên lớn nhất của các đời chính phủ Đức nhiều năm qua là ngoại giao kinh tế, mở rộng giao thương để phục vụ nhu cầu xuất khẩu của Đức. Đức là cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, thứ 4 thế giới và là cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nói cách khác là trong nhiều năm trời, nước Đức không nuôi dưỡng một tham vọng chính trị lớn tương ứng với sức mạnh kinh tế của mình.

EU với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ảnh: AEI.Tuy nhiên, trong 2-3 năm gần đây, tư duy đối ngoại của nước Đức đã thay đổi rõ rệt, vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, việc ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ đã làm rạn nứt nghiêm trọng mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ với các nước châu Âu, đặc biệt là Đức. Chính quyền của ông Trump trong vài năm qua rất nhiều lần tấn công nước Đức, chỉ trích Đức đóng góp ít ngân sách quốc phòng cho NATO, rồi đe dọa chiến tranh thương mại với Đức do thặng dư thương mại của Đức với Mỹ quá lớn, và mới nhất là việc Mỹ rút hơn 10 ngàn quân đồn trú khỏi Đức… Tất cả những điều này khiến các chính trị gia Đức nhận ra rằng, một trật tự cũ đang rạn nứt, nước Đức không còn có thể dựa dẫm quá nhiều vào Mỹ và đã đến lúc nước Đức phải đứng lên gánh vác các nghĩa vụ chính trị lớn hơn, vì lợi ích của châu Âu và của chính nước Đức. Điều này giải thích cho việc chính phủ Đức đã sát cánh cùng Pháp trong việc tiến hành các dự án quốc phòng chung như phát triển máy bay chiến đấu và xe tăng thế hệ mới, đẩy mạnh sự độc lập về an ninh của châu Âu, giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Lý do thứ hai cho sự thay đổi của Đức, đó là mối đe dọa ngày càng lớn đến từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Giới tinh hoa chính trị Đức cho rằng Trung Quốc dù là một đối tác kinh tế quan trọng nhất với Đức nhưng lại là đối thủ khác biệt về bản chất, về mô hình phát triển và Trung Quốc cũng đe dọa phá vỡ sự ổn định của châu Âu. Do đó, để không bị kẹt lại trong cuộc chiến siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc, cộng thêm mối đe dọa an ninh luôn thường trực từ Nga, nước Đức cũng như nhiều nước châu Âu ý thức được rằng châu Âu phải trưởng thành về địa chính trị, phải đứng ra đương đầu với thách thức để giữ vững vai trò của mình. Tất cả những điều đó tạo nên sự thay đổi trong tư duy đối ngoại của Đức và việc Đức ra hướng dẫn chính sách về Ấn Độ-Thái Bình Dương là nằm trong lộ trình đó. Đức nêu rất rõ rằng Ấn Độ-Thái Bình Dương là trung tâm quyền lực tương lai của thế giới, là nơi chiếm đến hơn 50% dân số, gần 40% GDP của toàn thế giới và là nơi có các nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Đó cũng là nơi có các tuyến hàng hải quan trọng nhất với thương mại quốc tế và vì thế, bất cứ bất ổn an ninh nào tại khu vực này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một cường quốc xuất khẩu như Đức. Vì thế, sự can dự của Đức và châu Âu vào khu vực này là để bảo vệ lợi ích của chính mình cũng như bảo vệ vai trò của châu Âu như là một cực quyền lực trong quan hệ quốc tế.

Ưu tiên của châu Âu, khác biệt với Bộ Tứ kim cương (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc)

Trên thực tế, Liên minh châu Âu với tư cách là một khối gồm 27 nước thành viên chưa hề có một chính sách đối ngoại và an ninh chung đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, mặc dù trong 1-2 năm qua, châu Âu ngày càng ý thức rõ hơn về một chiến lược hành động chung. Trong số các nước châu Âu, Pháp là nước đi đầu và có các chiến lược rõ ràng nhất tại Ấn Đô-Thái Bình Dương. Cách đây 2 năm Pháp đã ra chiến lược quốc phòng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhiều học giả cho rằng, cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương là do các nhà chiến lược Pháp đưa ra, sau này mới được chính quyền Mỹ của ông Donald Trump phát triển thêm.

Khác với Đức, Pháp tự nhìn nhận mình là một cường quốc có liên quan tại Ấn Độ-Thái Bình Dương bởi Pháp có 13 vùng lãnh thổ hải ngoại tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với 1,6 triệu dân và vùng đặc quyền kinh tế rộng đến 9 triệu km2. Do đó Pháp có những tham vọng và mục tiêu lớn tại khu vực này, với mức độ can dự trực tiếp cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác. Pháp muốn hiện diện nhiều hơn vào các cấu trúc an ninh khu vực để bảo vệ lợi ích trực tiếp của mình. Pháp cũng đang duy trì quan hệ quốc phòng-an ninh với nhiều nước lớn trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, thông qua nhiều hợp đồng bán vũ khí lớn. Ưu tiên của Pháp tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương vừa là duy trì ổn định và gia tăng ảnh hưởng và khác với Đức là có tham vọng chính trị ít hơn tiềm lực kinh tế, Pháp luôn muốn duy trì vị thế ngoại giao và quốc phòng của mình trên thế giới.

Các nước châu Âu khác, như Đức, thì ưu tiên tham dự vào việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, để không bị động khi xảy ra các biến động lớn. Đức cũng ưu tiên khía cạnh kinh tế hơn khi tuyên bố muốn đẩy mạnh các hiệp định tự do thương mại với các nước, đặc biệt là các nước ASEAN. Ngoài ra, Đức và EU cũng muốn ưu tiên phát triển hợp tác với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn ô nhiễm ở các đại dương và ngay trước mắt là việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tránh bị động khi gặp các khủng hoảng lớn như đại dịch Covid-19.

Điểm khác biệt lớn nhất về chính sách của các nước châu Âu so với “bộ Tứ kim cương” tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đó là cách tiếp cận với Trung Quốc. “Bộ tứ kim cương” do Mỹ dẫn đầu thể hiện các ý đồ rất rõ ràng về việc bao vây, kiềm chế Trung Quốc, do đó thiên về khía cạnh an ninh-quốc phòng hơn. Trong khi đó mặc dù nhận thức của châu Âu nói chung và các nước Đức, Pháp nói riêng về Trung Quốc cũng đã thay đổi nhiều do đại dịch Covid-19 nhưng châu Âu vẫn muốn duy trì một quan hệ vừa hợp tác-vừa đấu tranh với Trung Quốc, chứ không muốn đi theo hướng đối đầu mà nhóm “Bộ Tứ kim cương” đang tiến hành.

Tác động lên môi trường địa chính trị

Trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, có hai cường quốc trung tâm có vai trò chi phối lớn đối với an ninh khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Đây không chỉ là hai quốc gia đông dân nhất thế giới mà theo dự đoán là trong 2-3 thập kỷ tới cũng sẽ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung tâm quyền lực của thế giới đã và đang dịch chuyển về Ấn Độ-Thái Bình Dương, với quá nhiều các cuộc cạnh tranh đan xen, từ cạnh tranh siêu cường Mỹ-Trung, cạnh tranh khu vực Trung Ấn, Trung-Nhật… cho đến các tranh chấp về lãnh thổ ở biển Hoa Đông và biển Đông, cộng thêm các điểm nóng xung đột như bán đảo Triều Tiên, Đài Loan… Do đó, đây sẽ là khu vực định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21. Trên thực tế thì trật tự cũ được hình thành sau Chiến tranh Lạnh đang dần tan rã, do đó trong tiến trình hình thành trật tự mới, chắc chắn sẽ có những va chạm, xung đột. Việc hầu như mọi cường quốc thế giới đổ về cạnh tranh tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ khiến khu vực này càng thêm phức tạp và khó lường hơn trong những năm tới./.

Quang Dũng/VOV-Paris

 

Bình luận

    Chưa có bình luận