Bắn súng Việt Nam: Đổi thay để 'ngắm chuẩn và bắn trúng' mục tiêu tương lai

Trao niềm tin lớn hơn cho lứa trẻ để vững bước trên chặng đường phía trước, đây là định hướng đang được triển khai ở môn bắn súng.

 

Xoay hướng để đổi vận

Bắn súng Việt Nam khép lại năm 2020 bằng liên tiếp 2 đấu trường là Giải tay súng xuất sắc Quốc gia và Giải vô địch bắn súng toàn quốc, vừa giúp vận động viên cọ xát sau thời gian dài không thi đấu, vừa giúp ban huấn luyện nắm bắt được tình hình lực lượng. Điều đáng nói, nhiều xạ thủ kỳ cựu, gồm cả Hoàng Xuân Vinh hay Trần Quốc Cường không dự giải, thay vào đó là màn tỏa sáng của các tay súng trẻ. Kết quả là Lê Thị Mộng Tuyền (TP.HCM) đã phá kỷ lục Quốc gia bài bắn tiêu chuẩn ở nội dung 10m súng trường hơi nữ, hay Nguyễn Phạm Hiền Khanh (Quân đội) giành tới 3 HCV…

Nhiều năm qua, bắn súng Việt Nam có nhiều thành tích nổi bật tại các giải thế giới, châu lục, nhưng chỉ gắn với số ít xạ thủ kỳ cựu là Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Hà Minh Thành. Lứa trẻ chưa để lại nhiều dấu ấn đậm nét ở sân chơi quốc tế. Tuy nhiên từ năm 2020, bắn súng đã xoay hướng đầu tư sang vận động viên trẻ.

Để chuẩn bị cho kỳ Olympic cũng như Asiad tiếp theo, chúng tôi quyết định sử dụng lực lượng VĐV trẻ cho kỳ SEA Games 31. Hiện thành tích tập luyện của các cháu tương đối ổn định, nhưng chúng ta chưa có điều kiện để đưa VĐV trẻ đi thi đấu các giải quốc tế. Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng, nếu các cháu tự tin thi đấu trên sân nhà, chúng ta sẽ giành được nhiều huy chương”- Phó Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng Việt Nam kiêm HLV trưởng Đội tuyển bắn súng Quốc gia Nguyễn Thị Nhung bày tỏ.

Ngày càng có nhiều VĐV bắn súng trẻ đạt thành tích cao tại các giải đấu.

Sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí vượt chỉ tiêu?

Bắn súng Việt Nam có thể chờ đợi sự bùng nổ của tuổi trẻ, nhưng cũng có thể họ chưa đủ bản lĩnh để tranh tài ở một kỳ Đại hội lớn. Mà lời giải hiệu quả nhất cho bài toán rèn tâm lý chỉ có thể là cọ xát, có điều việc xuất ngoại đang trở nên xa xỉ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

“Mấy năm vừa rồi chúng tôi chủ yếu tập huấn ở Hàn Quốc. Hàn Quốc có điều kiện tập luyện tốt, có trường bắn, có đạn thật. Và cái quan trọng là chúng tôi được tập với những VĐV có thành tích cao, học được nhiều điều từ họ. Nếu không được đi tập huấn thì ảnh hưởng khá lớn tới tập luyện cũng như thi đấu”  - xạ thủ kỳ cựu Trần Quốc Cường chia sẻ.

Tất nhiên, khó ta thì cũng khó người, những đối thủ của bắn súng Việt Nam ở đấu trường khu vực cũng chẳng thể xuất ngoại. Yếu tố tạo lợi thế giờ đây chính là sự thích nghi để vượt lên. Về điều này, bắn súng nước ta đang vượt trội.

Bắn súng đăng ký với Tổng cục Thể dục Thể thao là đạt từ 4 - 5 HCV. Chúng ta may mắn hơn các nước vì kiểm soát tốt dịch bệnh, VĐV được tập luyện ở trung tâm thể thao. Tôi nghĩ, bắn súng có thể đạt được từ 5-6 HCV hoặc có thể hơn!” - xạ thủ Trần Quốc Cường tự tin nhận định.

Lá cờ đầu của bắn súng nước ta mạnh dạn nói về khả năng vượt chỉ tiêu, trong khi đó lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao tin tưởng rằng bắn súng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi nghĩ rằng với lực lượng như hiện nay, với lộ trình chuẩn bị cho SEA Games 31, bắn súng có thể hoàn thành nhiệm vụ. Khi thi đấu trên sân nhà, quyết tâm của VĐV có thể là 200%” - ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT đánh giá.

Nhìn lại 5 kỳ SEA Games gần nhất, số HCV của tuyển bắn súng Việt Nam ngày càng sụt giảm, từ 11 HCV tại SEA Games 2009 xuống đến con số 0 tròn trĩnh khi rời SEA Games 2019. Nguyên nhân là do phụ thuộc quá nhiều vào phong độ của các “tượng đài”. Và bắn súng Việt Nam đã xắn tay hành động, triệt để trẻ hóa lực lượng để “ngắm chuẩn và bắn trúng” những mục tiêu tương lai./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận