Hoãn V.League đến tháng 2/2022 Hải Phòng FC, B.Bình Dương có thể sẽ 'bỏ cuộc chơi'!

Mới đây, đề xuất hoãn các giải bóng đá quốc nội (trong đó có sân chơi 'sang nhất làng' - V.League) tới tháng 2/2022 đã được VFF chính thức thông qua.

 

Và phản hồi của CLB từng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” bởi sự giàu có và mức độ “chịu chơi” trong quá khứ đã lập tức gây xôn xao dư luận khi Chủ tịch đội bóng này - ông Hồ Hồng Thạch đã công khai trước truyền thông cả nước khả năng không tiếp tục tham gia V.League 2021.

Vài tuần trước, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thực hiện cuộc trưng cầu về phương án dời V.League 2021 sang giữa tháng 2 năm sau. Số phiếu thu về từ 27 đội bóng V.League và giải hạng Nhất quốc gia lần lượt là: 1 không hợp lệ, 5 tán thành, 6 không phản hồi, 7 phản đối và 8 ý kiến đề nghị phương án khác. Điều đáng nói là khi gửi văn bản, lãnh đạo VPF đã “thòng” thêm điều kiện: Không phản hồi mặc nhiên là đồng ý! - nên sau khi tổng hợp, Ban tổ chức đã “gộp” 6 ý kiến từ thống kê ở trên để có “11 phiếu tán thành”.

Mặc dù “không quá bán” nhưng con số này lại “nhiều nhất” và đó chính là căn cứ để VPF gấp rút đề nghị VFF thông qua đề xuất hoãn giải.

Mới đây, đề xuất hoãn các giải bóng đá quốc nội (trong đó có sân chơi “sang nhất làng” - V.League) tới tháng 2/2022 đã được VFF chính thức thông qua.

Như chúng tôi đã phân tích ở một bài viết cách đây không lâu, nếu phương án này được thông qua, VPF sẽ bảo lưu được trọn vẹn lợi nhuận từ các gói tài trợ, quảng cáo. Không những thế, tổ chức này sẽ có tới nửa năm “rảnh tay” để tập trung cho vòng loại thứ 3 World Cup 2022 của Đội tuyển Quốc gia. Ngược lại, khi mùa bóng đột nhiên kéo dài tới tháng 2/2022 đồng nghĩa quỹ lương của 27 CLB sẽ “lạm phát” tới 6 tháng so với dự kiến ban đầu. “Việc trả thêm nửa năm lương cho cầu thủ là bài toán rất khó, hiện tại B.Bình Dương vẫn chưa tìm được lời giải. Không loại trừ khả năng chúng tôi buộc phải bỏ V.League vì không biết “đào” đâu ra hơn chục tỷ đồng phát sinh” - Chủ tịch B.Bình Dương Hồ Hồng Thạch cho biết.

Cũng để ngỏ khả năng “bỏ cuộc chơi” nhưng “đội bóng đất Cảng” - Hải Phòng FC lại công khai bày tỏ sự “bất phục” cách làm việc “thiếu dân chủ”, “coi thường các CLB” của VPF. Theo lãnh đạo CLB bóng đá Hải Phòng, việc Ban tổ chức không tổ chức họp trực tuyến mà “đùng một cái” gửi văn bản đề nghị cho ý kiến khiến nhiều đội trở tay không kịp; điều kiện “không phản hồi tức là đồng ý” là cách làm bất chấp để có được số phiếu nhiều nhất… Không dừng lại ở đó, Hải Phòng FC còn khẳng định sẽ gửi đơn kiến nghị lên Tổng cục Thể dục Thể thao, nhờ “phân xử”!

Trong quá khứ, người hâm mộ cả nước đã nhiều lần chứng kiến các “tuyên bố bỏ cuộc” của không ít ông bầu. Trước một phán quyết bất lợi từ Ban tổ chức, thậm chí chỉ là quyết định của trọng tài trong một trận đấu, những bầu Trường (TV. Ninh Bình), bầu Đệ (Thanh Hóa FC)… đã hơn một lần “dọa bỏ cuộc” để gây sức ép lên các nhà làm giải. Song, đằng sau những “tuyên ngôn” ấy, không khó để khán giả cảm nhận được sự thiếu chuyên nghiệp cũng như “tính Chí Phèo” qua động thái “rạch mặt ăn vạ”; còn lần này, việc lãnh đạo Hải Phòng FC, B.Bình Dương đã tỏ ra quyết liệt và đặc biệt là rất khôn khéo khi đưa đội bóng của mình vào tư thế “nạn nhân” - nạn nhân của cách điều hành bất chấp, kém bài bản, thiếu chiến lược của VPF.

Vì lẽ đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặc dù đề xuất lùi giải quốc nội sang tháng 2 năm 2022 của VPF đã chính thức được VFF thông qua nhưng câu chuyện “hoãn giải” chưa thể khép lại.

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này sau khi có thêm những thông tin mới!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận