'Ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm'

Chuyện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiếp tục gia hạn hợp đồng với chiến lược gia người Hàn Quốc theo chúng tôi là đúng đắn.

 

Dù được chơi cả 2 trận trên sân nhà: Gặp đội tuyển Nhật Bản (ngày 11/11) và Arabia Saudi (16/11), có sự cổ vũ trực tiếp của cả vạn khán giả, lại đang rất “khát điểm” sau 4 trận toàn thua nhưng đội tuyển Việt Nam đã không có cơ hội cầm chân hay giành điểm trước các “vị khách”. Vấn đề “nóng”, đang được không ít cổ động viên đặt ra là: sau 6 trận thua liên tiếp, đâu là cách ứng xử phù hợp với “thầy Park”?

Sở dĩ người viết đặt ra vấn đề trên vì sau thất bại 1-2 của đội tuyển Việt Nam trên sân khách trước các cầu thủ Trung Quốc, không phải không có ý kiến phàn nàn rằng chiến lược gia người Hàn Quốc bảo thủ, cứng nhắc trong cách dùng người và đã đến lúc cần “làm mới” đội tuyển! Song nếu làm mới theo cách “truyền thống”, theo suy nghĩ phổ biến là thay HLV lại không đơn giản!

“Không đơn giản” bởi 4 năm qua, HLV Park Hang Seo đã làm được rất nhiều điều cho bóng đá Việt Nam ở cả ba cấp độ: đội U22 đoạt Huy chương Vàng SEA Games 2019 sau 62 năm chờ đợi; với đội U23, chúng ta đã đoạt Huy chương Bạc tại vòng chung kết giải U23 châu Á (Thường Châu - Trung Quốc) vào đầu năm 2018, sau đó là vị trí thứ 4 tại ASIAD 2018 (Đại hội thể thao châu Á). Còn Đội tuyển bóng đá quốc gia, sau đúng một thập niên chờ đợi qua nhiều đời HLV, chúng ta lần thứ 2 vô địch AFF Suzuki Cup 2018, đồng thời lọt vào đến Tứ kết ASIAN Cup 2019. Rõ ràng, năng lực của HLV Park Hang Seo là điều không phải bàn cãi, bởi không nhà cầm quân nào có thể “ăn may” từ năm này sang năm khác, từ đội bóng nọ tới đội tuyển kia. Và cùng với thành tích thì tinh thần, lối chơi, thể lực của đội U23 và tuyển quốc gia đã có những bước tiến vượt bậc, thay đổi về chất: các cầu thủ Việt Nam không còn tâm lý sợ đội tuyển Thái Lan mỗi khi 2 đội ra sân, cũng không còn “mong manh”, “dễ vỡ” mỗi khi bị đối phương vượt lên dẫn trước; thể lực các cầu thủ đủ sức thi đấu ở cường độ cao trong 90 phút thi đấu chính thức, thậm chí thêm 30 phút hiệp phụ; một lối chơi kỷ luật, máu lửa, cống hiến, không buông xuôi đã dần được hình thành…

 Ở phương diện khác, nếu nhìn nhận thật công bằng và sòng phẳng thì thời điểm hiện tại cũng như vài năm trước mắt, mục tiêu chính của bóng đá Việt Nam vẫn là sân chơi khu vực. Chúng ta đã giành và cần phải giữ vững vị trí số 1 Đông Nam Á trong nhiều năm mới có thể nghĩ đến những mục tiêu xa hơn! Không thể lấy vòng loại thứ 3 World Cup 2022 (khu vực châu Á) để “luận anh hùng” hay chê trách HLV Park Hang Seo. Bởi ngay chuyện lọt vào vòng loại thứ 3 này cũng đã là kỳ tích và in đậm dấu ấn ông thầy Hàn. Chưa một HLV nào có thể biến một nền bóng đá đang ở vùng trũng trở thành hàng đầu châu lục chỉ trong 4 năm!

HLV Park Hang Seo có nhiều đóng góp cho đội tuyển Việt Nam.

Cần phải nói thêm là cách đây 4 năm, đội tuyển bóng đá Thái Lan cũng từng lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2018. Ở vòng loại ấy, người Thái giành được kết quả thật khiêm tốn: đứng cuối bảng với 2 điểm. Trong sự thất vọng cùng chút ảo tưởng, các quan chức bóng đá Thái đã nói lời chia tay với HLV Kiatisuk để rồi nền bóng đá Thái lâm vào khủng khoảng từ bấy đến nay. Giờ thì người Thái đang tính chuyện mời lại HLV Kiatisuk (hiện dẫn dắt câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam). 

“Trông người lại ngẫm đến ta” và từ thực tế bóng đá Việt Nam, thiết tưởng chúng ta cần có một cái nhìn tỉnh táo, khách quan về HLV Park Hang Seo. Chuyện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiếp tục gia hạn hợp đồng với chiến lược gia người Hàn Quốc theo chúng tôi là đúng đắn. Bởi “ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”, nhất là “tướng” ấy đã khẳng định được năng lực và sự phù hợp với một nền bóng đá, còn vấn đề nâng tầm một nền bóng đá từ khu vực ra châu lục không phải chuyện của ngày một ngày hai!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận