Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách!

Chủ tịch CLB hạng Nhất Cần Thơ - ông Nguyễn Đắc Văn xin từ chức sau nỗ lực cứu vãn tình trạng 'nợ ngập đầu' nhưng bất thành.là chuyện 'xưa như diễm'.

 

Chừng 1 năm trước, cũng vì bế tắc tài chính mà một đội bóng chuyên nghiệp (V.League 1) là CLB Than Quảng Ninh đã tuyên bố “dừng hoạt động” do cạn kiệt kinh phí. Chỉ  2 mùa giải mà có tới hai vị chủ tịch tỏ ra hiểu được triết lý “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” (trong 36 kế, “cao chạy xa bay” là hơn cả) của người xưa, đủ thấy bóng đá đã trở thành gánh nặng với họ như thế nào.

“Đội bóng Tây Đô” đang nợ cầu thủ 1 tháng lương, 3 tháng tiền ăn, tiền lót tay đợt 2, tiền thưởng của 3 trận thắng và 3 trận hòa,… ước phí khoảng 8 tỉ đồng. Tính đến thời điểm nói “lời người ra đi”, ông Nguyễn Đắc Văn đã gửi công văn cho Sở VH-TT&DL Cần Thơ để xin “ứng trước” 1 tỉ đồng tiền tài trợ quảng cáo từ nhà tài trợ - vốn là kinh phí chi cho hoạt động ở giai đoạn 2 của mùa giải, song con số đó chỉ như “muối bỏ bể” và quan trọng hơn là không thể giải quyết được ngọn nguồn của khó khăn. Bài toán kinh phí không có lời giải khiến CLB Cần Thơ “mất” tới 3 vị trí đầu não chỉ trong một thời gian ngắn, lần lượt là HLV trưởng Nguyễn Việt Thắng (xin nghỉ từ 15/9/2022), Giám đốc điều hành Lê Minh Dũng và Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn như đã đề cập.

Chuyện các ông bầu “tháo chạy” khỏi môn “thể thao vua” không phải là điều quá khó lý giải. Ai cũng biết, ở xứ ta không một CLB bóng đá nào ở ta có thể “lấy bóng đá nuôi bóng đá” và thành tích của những Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai,… đều do hầu bao của các ông bầu quyết định: Họ chi nhiều, thưởng đậm thì đội thắng lớn, còn thưởng ít và thiếu quan tâm thì thành tích kia sẽ nhanh chóng thụt lùi?

Ở góc độ khác, nhiều ông bầu khi đến với bóng đá thường tuyên ngôn về một “tình yêu thể thao” vô bờ bến, nhưng thực tế cho thấy “tình yêu” của họ thường có những điều kiện đi kèm. Có ai đầu tư hàng chục tỷ đồng/mùa bóng để rồi không thu về các quyền lợi vật chất tương ứng không? Do kỳ vọng nắm một đội bóng sẽ đồng thời có được cây đũa thần trong quá trình làm ăn, phát triển thương hiệu tại các địa phương nên “ai đó” đã không tiếc tiền của đầu tư và khi “vỡ mộng” họ không ngần ngại… tẩu vi thượng sách.

CLB Cần Thơ “mất” tới 3 vị trí đầu não chỉ trong một thời gian ngắn.

Về phía CLB Cần Thơ, để duy trì đội bóng, ngành VH-TT tỉnh Cần Thơ đã đề xuất lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VPF) và được chấp thuận để Trung tâm Thể dục thể thao thành phố Cần Thơ tiếp nhận đội nhà đến hết giải hạng Nhất 2022. HLV thủ môn Thanh Tú mới có bằng C huấn luyện viên và chưa đạt tiêu chuẩn chức danh cũng được Ban tổ chức “đặc cách” cho tiếp quản băng ghế huấn luyện. Ở trận đấu giữa Cần Thơ với CLB Long An diễn ra sau đó vài ngày, khán giả cả nước đã được chứng kiến một cảnh tượng “xưa nay hiếm”: Trên băng ghế kỹ thuật của Cần Thơ FC chỉ có HLV Nguyễn Thanh Tú cùng 1 bác sĩ và 1 nhân viên chăm sóc sức khỏe. Quá nhiều biểu hiện cho thấy, sự tồn tại của Cần Thơ lúc này hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa “sống mòn”!

Chúng tôi tin rằng trên cương vị lãnh đạo, từ VFF đến Trung tâm Thể dục thể thao thành phố Cần Thơ đều hiểu việc giải cứu này chỉ là giải pháp tình thế nhưng buộc phải “nhắm mắt làm ngơ”. Còn mùa giải sang năm, Cần Thơ FC có tìm được doanh nghiệp “hà hơi tiếp sức” hay không thì đành… phó mặc cho số phận.

Mà diễn biến sân cỏ nước nhà đã chứng minh, khi một tập thể không có sự “chống lưng” từ nhà tài trợ cũng đồng nghĩa “án tử” treo lơ lửng trước mặt!!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận