Ngẫm từ chức vô địch của câu lạc bộ Công an Hà Nội!

Giải bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League) năm 2023 đã chính thức khép lại với chức vô địch cho đội bóng tân binh Công an Hà Nội.

 

Ở “đầu kia” bảng xếp hạng, SHB Đà Nẵng cũng trở thành chủ nhân duy nhất trên “chuyến tàu ngược” về giải hạng Nhất. Hai sắc thái vui - buồn cũng phản ánh chân thật mức độ đầu tư của “tân vương” và “cựu vương”. Tấm vé rớt hạng của “cựu vương” Đà Nẵng (từng 2 lần vô địch V.League các năm: 2009 và 2012) chỉ là hệ quả tất yếu của một mùa giải bạc nhược, thiếu sức sống, lại không được đầu tư vào những thời khắc quyết định. Hình ảnh nhà cầm quân Phan Thanh Hùng rời “ghế nóng” sau vòng 10 V.League 2023, lặng lẽ lùi về tuyến hai (tiếp quản chức Giám đốc Kỹ thuật) không biểu thị cho cuộc cách mạng nơi băng ghế chiến thuật mà nhiều phần thể hiện sự bất lực của một HLV kỳ cựu, lão làng, không ít “võ” nhưng đành… xuôi theo số phận.

Ở thái cực ngược lại, đội chủ sân Hàng Đẫy đã có những cú nước rút rất ngoạn mục. Có thời điểm cơ hội vô địch chia đều cho cả 4 ứng cử viên (3 tập thể còn lại là Hà Nội FC, Thanh Hóa FC và Viettel FC) nhưng ở những “trận cầu 6 điểm” này, các học trò của huấn luyện viên (HLV) Flavio Da Silva Cruz đều tỏ ra vượt trội (thắng tới ¾ trận). Bên cạnh đó, sách lược tuyển quân đúng đắn của Công an Hà Nội đã mang về khá nhiều chân sút chất lượng như Hồ Tấn Tài, Vũ Văn Thanh, Lê Văn Đô hay Đoàn Văn Hậu; cặp ngoại binh: Gustavo và John Cley luôn tỏa sáng đúng thời điểm.

Trên băng ghế huấn luyện, ông thầy ngoại Flavio Da Silva Cruz cũng giải thành công bài toán hòa nhập giữa các nhân tố cũ - mới khiến Công an Hà Nội trở thành cỗ máy tương đối hoàn hảo. Trên hết, như thừa nhận của dư luận cả nước, CLB Công an Hà Nội không chỉ có chiến thuật, đấu pháp hợp lý mà còn là tập thể “chịu chơi” nhất làng cầu quốc nội. Hết giai đoạn 1, dẫu đang sở hữu dàn cầu thủ đồng đều, chất lượng nhưng Ban lãnh đạo CLB vẫn không ngần ngại “bung két”, mang về cùng lúc hai bản hợp đồng rất “khủng” là Nguyễn Quang Hải và Filip Nguyễn. Nói cách khác, CLB Công an Hà Nội đã đăng quang một cách xứng đáng và thuyết phục.

Điều chúng tôi muốn lưu ý đội bóng ngành công an là vòng nguyệt quế không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với đẳng cấp một đội bóng lớn. Lần giở lịch sử V.League, không khó để nhận thấy, chức vô địch mà Quang Hải, Văn Hậu cùng đồng đội vừa giành được rốt cuộc vẫn chỉ là công thức “mua nhiều + thưởng lớn” mà nhiều “đại gia”, “thiếu gia” V.League đã trải qua! Đừng quên câu chuyện của bóng đá Quảng Nam tại V.League 2017. Từ vị thế của một tập thể “thường thường bậc trung”, họ bất ngờ trỗi dậy nhờ sự “hào phóng” của nhà tài trợ và đăng quang đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh.

CLB Công an Hà Nội đã đăng quang một cách xứng đáng và thuyết phục.

Tuy nhiên, bi kịch của “đội bóng xứ Quảng” nói riêng, sân cỏ quốc nội nói chung chính là ở chỗ: Nhà tài trợ có thể đưa họ lên đỉnh vinh quang thì cũng có thể “ném” họ xuống vực sâu của sự cay đắng. Sau chức vô địch “như từ trên trời rơi xuống”, đối diện với thực tế là việc doanh nghiệp thắt chặt hầu bao, Quảng Nam FC cứ lụi dần và… tắt hẳn. Không còn những màn tuyển quân rầm rộ trên thị trường chuyển nhượng, các khoản “thưởng nóng” cũng thưa vắng dần, “người Quảng Nam” đã xuống hạng sau 3 mùa bóng lay lắt ở giải chuyên nghiệp. Nghiệt ngã hơn, kịch bản rớt hạng của QNK Quảng Nam có rất nhiều điểm tương đồng với tấm vé xuống hạng của SHB Đà Nẵng năm nay.

Thực tế ấy cho thấy, ở V.League, lên ngôi vô địch đã khó, nhưng để tập thể ấy duy trì thành tích và vươn tới đẳng cấp “đội bóng lớn” còn khó gấp bội. Nó đòi hỏi một chiến lược đúng đắn, lâu dài và trên lộ trình gian nan ấy, không có chỗ cho sách lược “ăn xổi”.

Điều này đã được kiểm nghiệm ở giải chuyên nghiệp!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận