'Canh bạc' sự nghiệp!

CLB bóng đá thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM FC) đã chính thức bổ nhiệm 'tướng trẻ' Phùng Thanh Phương vào vị trí chủ nhân băng ghế huấn luyện.

 

Một động thái mà chỉ cần có chút am hiểu về túc cầu giáo nước nhà sẽ dễ dàng “đọc được vị”, rằng: Phùng Thanh Phương chỉ là kẻ đóng thế!

Thật vậy, ngay sau khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với nhà cầm quân họ Vũ, lãnh đạo CLB đã không ngừng “chạy đôn chạy đáo” nhằm đem về sân nhà một cái tên xứng tầm. Ban đầu, chiến lược gia Alexandre Polking - người vừa bị Liên đoàn Bóng đá Thái Lan sa thải cách đây chưa lâu được đưa vào tầm ngắm nhưng tất cả chỉ là… “tin đồn”. Tiếp đó, người hâm mộ cả nước lại được một phen xôn xao khi bộ đôi: HLV Park Hang-seo (cựu “thuyền trưởng” đội tuyển Việt Nam) và Lee Young-jin được “quy hoạch” vào hai vị trí: Giám đốc Kỹ thuật và HLV trưởng. Và cái tên cuối cùng chính thức được xướng lên lại là Phùng Thanh Phương.

Vị “tướng” họ Phùng không phải cái tên quá xa lạ và cũng đã hơn một lần được dẫn dắt một đội bóng chuyên nghiệp. Đó là mùa bóng 2021, sau thất bại “muối mặt” 0-3 ngay trên sân nhà trước Nam Định FC - cũng là trận thua thứ ba liên tiếp tại V.League 2021 khiến CLB Sài Gòn (Sài Gòn FC) - từ chỗ được nhận diện là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch đã rơi xuống vị trí 11/14 trên bảng xếp hạng (chỉ hơn đội bét bảng vẻn vẹn 2 điểm). “Quân thua - tướng bị trảm” đã trở thành luật bất thành văn ở giải đấu cao nhất quốc nội. Bởi vậy nhà cầm quân đến từ đất nước mặt trời mọc Shimoda chính thức bị lên “đoạn đầu đài” và chiếc “ghế nóng” của đội bóng này tạm thời do trợ lý Phùng Thanh Phương tiếp quản.

Tuy nhiên, chẳng biết có phải do “thời chưa tới” hay không mà sự nghiệp cầm quân của Phùng Thanh Phương chẳng mấy tươi sáng, hứa hẹn. Sau mùa bóng 2021 bị hoãn do đại dịch Covid-19, Sài Gòn FC tại V.League 2022 “đánh đâu thua đấy” và phải nhận vé rớt hạng. An ủi lớn nhất đối với vị tướng trẻ thời điểm ấy là trong mắt các chuyên gia, thất bại của Sài Gòn FC không hoàn toàn do “trình” của HLV trưởng mà bởi nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan.

Ông phùng Thanh Phương (phải) chỉ đạo cầu thủ Sài Gòn FC trong một buổi tập gần đây. Ảnh: Đông HuyềnVà giờ đây, vị trợ lý này lại tiếp tục được “thử lửa”. Nhìn nhận khách quan thì cụm từ “quyền HLV trưởng” mang nhiều ý nghĩa của một Cascadeur (kẻ thế vai) hơn là sự lựa chọn tối ưu của lãnh đạo CLB.

Dẫu vậy cần phải ghi nhận sự dũng cảm của Phùng Thanh Phương khi dám tiếp quản vị trí của người tiền nhiệm trong bối cảnh lòng người ly tán, sự nghi kị bao phủ các khán đài (ngay sau khi HLV Vũ Tiến Thành rời CLB đã đăng đàn khẳng định: TP HCM FC đang nợ lương cầu thủ “đầm đìa”; ngược lại, lãnh đạo đội bóng phủ nhận cáo buộc này và tuyên bố sẽ dùng pháp lý để trừng trị những ai vu cáo, gây tác động xấu đến hình ảnh đội bóng). Ở khía cạnh khác, việc trợ lý Phùng Thanh Phương đồng ý ngồi ghế huấn luyện mang dáng dấp của một “canh bạc sự nghiệp” mà nếu thành công, ông Phương sẽ có “điểm nhấn” trong sự nghiệp; thậm chí có thể xem đây là cơ hội không thể tốt hơn để danh chính ngôn thuận ngồi ghế HLV trưởng. Song, nếu chẳng nên “cơm cháo” gì, thương hiệu của Phùng Thanh Phương sẽ đồng nghĩa với “kẻ đóng thế đáng thương” giữa hàng chục nhà cầm quân đang lập nghiệp ở dải đất hình chữ S.

So với cuộc khảo nghiệm lần thứ nhất, trên lý thuyết, trong cương vị “quyền HLV trưởng” lần này, Phùng Thanh Phương đã trưởng thành và “chín” hơn trong nghiệp “cầm đũa chỉ đạo”. Nhưng chỉ thực tế sân có mới chứng minh được Phùng Thanh Phương “có” hay “không thể” đáp ứng được niềm tin của Ban lãnh đạo CLB cũng như kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ nơi “hòn ngọc Viễn đông”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận