'Nhà nghèo' chơi công nghệ!

Do không đủ kinh phí, mô hình VAR được 'cải biến', điều chỉnh phù hợp với… túi tiền của VPF.

Để hỗ trợ trọng tài làm tốt công tác “cầm cân nảy mực”, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã công khai chủ trương sử dụng công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài) từ giai đoạn lượt về V.League năm nay. Tuy nhiên, theo tiết lộ mới nhất từ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VPF - Trần Anh Tú, do không đủ kinh phí nên mô hình chuẩn của VAR (từng được sử dụng World Cup 2018) không được áp dụng nguyên vẹn.

Mỗi ca trực trong xe VAR có 4 người, trong đó 1 hoặc 2 người phụ trách kỹ thuật, còn lại là các trọng tài VAR. Để theo kịp diễn biến trận đấu, xe VAR sẽ di chuyển cùng “xe màu” của đài truyền hình và kết nối tín hiệu thông suốt để trọng tài trên sân có thể theo dõi lại tình huống được làm chậm, cùng với ý kiến tham vấn của trọng tài VAR. Tổng chi phí cho một xe VAR hoàn thiện khoảng 6 tỉ đồng - một con số đáng để Ban tổ chức V.League phải suy tư, cân nhắc.

Nhằm tiết kiệm chi phí, VAR chỉ được sử dụng từ vòng 14 V.League năm nay và cũng chỉ có một đến hai trận cầu “nóng” hoặc khả năng “có mùi” được “soi” dưới camera giám sát. Ở từng trận, nếu như “bộ tiêu chí” của Liên đoàn Bóng đá thế giới là 48 máy quay thì VPF chỉ dùng 8 máy. Chưa hết, thay vì phải sử dụng đội ngũ chuyên nghiệp hoặc “đào tạo lại” nhân sự theo đúng chuẩn “trọng tài VAR” thì Ban tổ chức đang cân nhắc khả năng mời những cựu vua áo đen đã… nghỉ hưu nhưng sức khỏe vẫn đảm bảo để “đọc hình ảnh” từ máy quay. Giải pháp tình thế này, đương nhiên cũng xuất phát bởi nguyên nhân “cái khó bó cái khôn”.

Nói cách khác, nếu như VAR của thế giới đồng nghĩa với chính xác gần như tuyệt đối thì VAR của V.League chỉ mang tính tương đối. Chẳng có gì đảm bảo số lượng 8 máy quay (nhiều hơn 3 camera so với hiện tại) cùng chuyên môn của những trọng tài đã “về vườn” sẽ đảm bảo cho một trận đấu diễn ra khách quan, sòng phẳng.

Thực tế V.League những năm qua đã chứng minh, những phép tính của “nhà nghèo” bao giờ cũng chỉ mang lại tác dụng nửa vời mà điển hình chính là câu chuyện “trọng tài ngoại” từng thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người hâm mộ cả nước.

5 năm trước, vị “vua sân cỏ” người Nhật Bản Ryuji Sato đã đặt cột mốc lịch sử cho sân chơi “sang” nhất làng khi là trọng tài ngoại đầu tiên điều khiển một trận đấu chuyên nghiệp ở xứ ta. Theo nhận định của các chuyên gia, có thể năng lực trọng tài ngoại chưa hẳn đã vượt trội so với “vua nội”, song với lợi thế của một “khách lạ” (bất đồng ngôn ngữ, không quen biết với các CLB), “vua ngoại” sẽ giúp V.League dẹp bỏ được những “lăn tăn”, cấn cá về những “quan hệ ngầm”, “ăn tiền” để làm sai lệch kết quả. Thật vậy, dưới sự điều khiển của trọng tài ngoại, cái gọi là “lỗi tư tưởng” hầu như đã không xuất hiện.

Tuy nhiên, cũng như VAR, giải pháp “vua ngoại” cũng chỉ được áp dụng đối với những trận cầu “đinh”, dự báo tác động đến kết quả chung cuộc của mùa giải (vô địch hoặc xuống hạng). Nói cách khác, đa phần các trận bóng V.League vẫn do các giới cầm còi trong nước chỉ đạo và hệ quả ra sao thì chúng ta đều đã biết: Năng lực, thậm chí là “cái tâm” của “vua nội” đến nay vẫn là đối tượng chỉ trích của cả làng.

Dẫu sao đi nữa thì VAR hay trọng tài ngoại đều biểu thị cho nỗ lực của Ban tổ chức trong việc hướng đến một V.League công bằng, minh bạch. Đây là chuyển động đáng được ghi nhận, biểu dương còn phép tính của “con nhà nghèo” có thực sự đúng đắn, hiệu quả hay không thì hãy đợi đáp án sau vài vòng đấu nữa./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận