Không dễ xử lý pháo sáng!

Những nỗ lực của các quan chức sân cỏ quốc nội để ngăn chặn và đẩy lùi pháo sáng liệu có thành công?

Những cá nhân, tập thể có liên quan đến “cơn mưa pháo sáng” trong trận thư hùng Hà Nội FC - Hải Phòng FC (vòng 6 V.League 2019) phải chịu những án phạt rất nặng là điều đã được cảnh báo từ trước bởi trong quá khứ, Ban tổ chức, Ban Kỷ luật từng nhiều lần “khai đao” với hiện tượng này. Và quan trọng hơn, ở biến cố lần này, Tổng cục Thể dục thể thao có công văn yêu cầu Ban tổ chức chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Lãnh đạo ngành thể thao cũng đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh, không để tái diễn hiện tượng đốt pháo ở những vòng đấu tiếp theo.

Để có cái nhìn toàn diện về hiện tượng này, hãy nhắc lại tâm tư của cựu Trưởng Ban kỷ luật (BKL) Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Hải Hường cách đây hơn một thập kỷ. Ngày còn đương chức, ông Hường đã hơn một lần bày tỏ sự lúng túng mỗi bận… ném lệnh bài, xuất phát từ nghịch lý: Án nhẹ thì sợ “con bệnh”… nhờn thuốc, còn phạt nặng sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến phong trào của một địa phương!

Nhưng rồi trước áp lực từ khán giả, và đặc biệt là hành vi “nổi lửa” của một nhóm khán giả Hải Phòng cứ lặp đi lặp lại, Ban tổ chức đã buộc phải “tuyên chiến”. Không ít án phạt từ “nhẹ” đến “nặng” đã lần lượt được áp dụng: phạt tiền, “treo” sân Lạch Tray - buộc thi đấu trên sân trung lập và đỉnh điểm là cấm khán giả Hải Phòng cổ vũ có tổ chức trên sân khách (mùa bóng 2009).

Sau khi bản án được tuyên, chẳng cần quá tinh tường người ta cũng nhận thấy việc “cấm cổ vũ trên sân khách có tổ chức” vừa không công bằng, vừa thiếu tính khả thi. Trước hết, khán giả Hải Phòng hiện diện ở mọi miền đất nước nên không thể vì vài cá nhân mà đánh đồng tất cả là hooligan rồi… “phạt tập thể”. Sau nữa, không rõ BTC căn cứ vào tiêu chí nào để phân biệt “khán giả Hải Phòng” với “người hâm mộ địa phương khác” bởi nếu chỉ dựa vào tiêu chí “màu đỏ” của trang phục cùng logo trên ngực áo thì chỉ cần thao tác đổi áo là đã có thể qua mặt lực lượng kiểm soát.

Quan trọng hơn, án phạt này mang dáng dấp như một “lá bài tẩy” cuối cùng mà các quan chức VFF buộc phải tung ra. Họ không phải không nhận thấy sự phi lý nhưng vẫn “bất chấp”, những mong đủ sức răn đe. Vì lẽ đó, không thể không đặt ra câu hỏi: Khi đã phạt kịch khung, nếu “đương sự” vẫn tái phạm thì… lấy mức án nào để phạt tiếp?

Thắc mắc tưởng chừng rất vu vơ ấy, nào ngờ lại trúng phóc. Kể từ đó đến nay, những quả pháo gây tai họa vẫn không ngừng được thắp lên. Gần đây nhất chính là màn “hỏa thiêu cầu trường” ở vòng 6 V.League 2019 mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết.

Không phủ nhận thực tế: vụ việc “thắp lửa” trên sân Hàng Đẫy phải bị trừng trị thích đáng. Chỉ đạo của Tổng cục Thể dục Thể thao cũng cho thấy sự sát sao, kịp thời nhưng áp dụng mức phạt nào (?) có đủ “nặng” để trị “tiệt nọc” hay không (?) lại là thắc mắc không dễ cho lời giải. Chẳng phải Ban kỷ luật đã áp dụng mọi hình thức mà pháo sáng của hooligan đất Cảng cứ “đến hẹn lại… bùng cháy” đó sao?

Và đừng quên rằng 10 năm trước, khi sân Lạch Tray bị “treo” vì cổ động viên đốt phát sáng, đích thân Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng lúc ấy là ông Hoàng Văn Kể, Giám đốc Công an, lãnh đạo Câu lạc bộ Bóng đá Hải Phòng đã cùng ký vào lá đơn đề nghị VFF “xóa án” bởi án phạt này đã vô tình tước bỏ nhu cầu thưởng thức bóng đá của hàng vạn khán giả chân chính./.

Bình luận

    Chưa có bình luận