Có đang hiểu sai Nghị định 46?

Nghị định 46 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1/8/2019 đang được tranh luận sôi nổi trên truyền thông và diễn đàn mạng.

 

Không khó để nhận thấy, tâm điểm của mọi chú ý chính là một trong những nội dung chính của Nghị định (Điều 7) về xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng hành vi tập luyện có tính chất khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục. Nó nhạy cảm, mơ hồ và dễ khiến người đọc băn khoăn, thậm chí hiểu sai về nội hàm khái niệm đến mức ngay sau khi được công khai, không ít huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) đã đăng đàn bày tỏ sự bức xúc. Phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, Tổng cục Thể dục Thể thao Đỗ Đình Kháng đã không giấu được sự băn khoăn khi bày tỏ trên một tờ báo nọ, đại ý: Môn thể hình và fitness (có thể kể thêm một số môn thể thao khác như bơi lội, bóng chuyền bãi biển…) khi thi đấu VĐV chỉ mặc một chiếc quần rất nhỏ, bó sát để che bộ phận nhạy cảm. Toàn bộ khu vực khác của cơ thể phải được lộ ra để trình diễn cơ bắp. Tương tự như vậy, một cơ quan truyền thông khác đã dẫn lời của một VĐV khiêu vũ thể thao (xin giấu tên) cho biết: Các bài biểu diễn của môn này thường mang tính chất phô diễn vẻ đẹp hình thể, nhiều động tác gợi cảm, khỏe khoắn và cả tình tứ, lãng mạn giữa nam VĐV và nữ VĐV theo chủ đề bài biểu diễn...

Thậm chí, không ít quan điểm đã dẫn những hình ảnh (tạm gọi là “nhạy cảm”) như nữ cầu thủ bóng đá Mỹ Brandi Chastain cởi áo ăn mừng sau khi thực hiện thành công quả đá luân lưu 11m giúp đội tuyển Mỹ giành chức vô địch World Cup trước Trung Quốc cách đây tròn hai thập kỷ, hay tấm ảnh Nhà vô địch fitness châu Á 2018 Nguyễn Thị Bích Ly trong… “trang phục đi biển” như một cách “phản biện” lại nội dung Nghị định này.

Để hiểu đúng về nội dung Nghị định 46, cần làm sáng tỏ ý nghĩa từ “khiêu dâm”! Về điều này, chẳng cần quá tốn công nhọc sức, chỉ một cái “Click chuột”, chúng ta sẽ có ngay một số định nghĩa: Khiêu dâm tức là “kích thích ham muốn về tình dục (tratu.coviet.vn), “gây kích thích sự ham muốn về xác thịt” (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê), “chỉ những động tác, cử chỉ của con người dùng nhằm mục đích quyến rũ, lôi cuốn bản năng tình dục của đối phương” (Wikipedia). Khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm định nghĩa: “Khiêu dâm” là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục!

Theo tôi, đây chính là cốt lõi của vấn đề, tức là sự “chủ động kích thích” của chủ nhân bộ trang phục đó. Nói cách khác, khi khoác trên mình những bộ trang phục “thiếu trên hụt dưới”, người mặc đã có một động cơ khác, mục đích khác, hướng đến những đối tượng khác một cách có chủ đích.

Còn trang phục của VĐV, cho dù không “kín cổng cao tường” (thậm chí có thể nói thẳng là trang phục nhiều bộ môn đã “phô” hết đường nét cơ thể như bơi lội, thể dục dụng cụ) thì động cơ của họ đơn thuần chỉ là để thuận tiện cho biểu diễn, thi đấu và mục đích cốt sao cho thoải mái để đạt thành tích cao nhất. Thêm nữa, đối với nhiều bộ môn,đó cũng là trang phục quy chuẩn. Ở phương diện khác, có những bộ trang phục truyền thống, được đánh giá nền nã, đẹp như áo dài dân tộc nhưng không phải không có lúc bị “mang tiếng” khi người mặc mang ý đồ xấu. Tóm lại, các VĐV dẫu mặc “đồ hai mảnh” thì phần lớn họ không hề có ý “khiêu dâm” như một bộ phận các cô gái kiếm sống ở quán bar, vũ trường…

Vì lẽ đó, khi tiếp cận và áp dụng Nghị định 46, cần hiểu đúng về hai từ “khiêu dâm” chứ không chỉ “xoáy” vào trang phục!

Điều 7, Nghị định 46: Vi phạm quy định về sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người tập luyện, thi đấu, trừ những bài tập, môn thể thao, phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao được pháp luật cho phép.

Ông Phạm Xuân Phúc, phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL: Quy định để có căn cứ xử lý

Tại họp báo thường kỳ quý II/2019 của Bộ VH-TT&DL ngày 1/8, ông Phạm Xuân Phúc, nội dung được quy định tại Điều 7 của Nghị định 46/2019/NĐ-CP không phải là nội dung mới, mà kế thừa các nghị định có từ trước, dựa trên các quy định: Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo năm 2013; Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 158 năm 2017 và các Luật Thể dục thể thao; Luật sửa đổi một số điều của Luật Thể dục thể thao năm 2018 và Nghị định 112 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục thể thao.

Thực tế qua thanh tra, kiểm tra và nắm tình hình, hiện nay có một số môn thể thao đã xuất hiện ở nước ta có những biến tướng như yoga khỏa thân, trái thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa Việt Nam; hay trong dưỡng sinh có bài tập “Suối nguồn tươi trẻ”; dance sportở một số nơi sử dụng trang phục phản cảm và có động tác biến tấu, không đúng quy định... nên quy định như vậy trong Nghị định là để có căn cứ trong quá trình thanh tra kiểm tra và có cơ sở xử lý. “Xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể dục thể thao có những quy định mang tính răn đe là chính, có những cái rất khó quy định chi tiết” - ông Phúc nói.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận