Sân cỏ mùa dịch Covid-19

Cuối tuần này, trên 7 sân cỏ cả nước đồng loạt diễn ra vòng đầu đầu tiên trong khuôn khổ giải Vô địch Quốc gia 2020.

 

Theo xác nhận của Ban tổ chức, để hạn chế tối đa tình hình lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, cả 7 cặp đấu sẽ diễn ra trong tình trạng không có khán giả.

Trong một so sánh, nếu như ở mùa giải trước, suốt 90 phút đối đầu giữa “ông lớn” Hà Nội FC với tân binh Nam Định người ta chứng kiến những băng ghế khán giả được ken chặt như nêm cối - tiền vé thu được tương đương với hơn nửa tỷ đồng thì năm nay, vẫn 2 đội bóng ấy cùng tính chất của một trận đấu mở màn, nhưng lại diễn lại ra trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Đương nhiên, thiệt hại lớn về tinh thần và vật chất là điều có thể nhìn thấy trước.

Chưa hết, vài ngày trước, trận tranh Siêu Cúp 2019 giữa CLB Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội FC mở màn cho mùa giải 2020 cũng phải “đóng kín cửa” - chỉ có chừng hơn 100 khán giả được “chọn lọc” dự khán đồng thời trải qua các công đoạn kiểm tra y tế rất gắt gao. Với thực trạng ấy chẳng quá khó để người hâm mộ có thể hình dung: Dù đã cố gắng hết mình, song những gì mà Ban tổ chức đã làm là không đủ để xua đi bầu không khí hết sức ảm đạm trên các khán đài.

Theo xác nhận của Ban tổ chức, để hạn chế tối đa tình hình lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, vòng đấu đấu sẽ diễn ra trong tình trạng không có khán giả.

Tuy nhiên, ở phạm vi rộng, phải thấy rằng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 là câu chuyện không của riêng ai và thiệt hại vật chất (cũng như tinh thần) là không phải bàn cãi. Hàng loạt sự kiện thể thao lớn từ Á sang Âu đã buộc phải bấm lệnh “hoãn” mà đáng kể nhất chính là Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 và Cúp Bóng đá châu Âu dành cho các CLB đang bước vào vòng tứ kết. Thêm nữa, do V.League phải kết thúc vào ngày 24/10 để đội tuyển bóng đá quốc gia có quỹ thời gian cần thiết chuẩn bị cho chiến dịch bảo vệ ngôi vô địch AFF Suzuki Cup (khai mạc vào ngày 23/11/2020) nên - nói như một quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - giải chuyên nghiệp “không còn đường lùi”. Và giải pháp “đóng cửa sân”, không phục vụ những người hâm mộ muốn xem trực tiếp dẫu không ai muốn nhưng vẫn phải áp dụng.

Trong không khí hiu hắt của ngày khai mạc cùng những phấp phỏng chờ đợi (không biết khi nào lệnh “đóng cửa sân” mới được gỡ bỏ?), điều đáng mừng là tất cả các CLB tham dự giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia đều hợp tác với Ban tổ chức. Tất cả đã đồng thuận và chủ động chấp hành như một cách “chung tay dập dịch”. Đừng quên là trong quá khứ, với không ít CLB thuộc diện “con nhà nghèo”, kinh phí thu về từ các khán đài là một trong những nguồn chính để duy trì hoạt động. Thậm chí, với bóng đá Đồng Tháp mùa bóng 2016, họ đã rất có ý thức “tích tiểu thành đại”, “năng nhặt chặt bị”, chăm chỉ “nhặt bạc cắc”, thậm chí còn phải tận dụng tối đa các khoản thu từ tiền bán áo đấu, đồ lưu niệm… để trả lương cho cầu thủ.

Điều này hoàn toàn tương phản với những gì đã và đang diễn ra ở quốc gia láng giềng. Truyền thông Thái Lan dẫn lời một quan chức thuộc Hiệp hội Bóng đá nước này cho hay: quyết định tất cả các trận đấu quốc nội xứ Chùa Vàng sẽ diễn ra trên sân không khán giả để phòng tránh sự lây lan của Covid-19 đã gặp phải phản ứng dữ dội của nhiều CLB, nhất là những đội bóng mạnh. Được biết, do cam kết với nhà tài trợ nên nhiều CLB thà lùi giải đấu đến vô thời hạn chứ không thể không phát hành vé.

V.League 2020 diễn ra trong mùa dịch Covid-19, bên cạnh âu lo, buồn phiền nhưng không phải không có những tín hiệu tích cực.

Lịch thi đấu vòng 1 V.League 2020

17 giờ, 6/3: Hoàng Anh Gia Lai - Than Quảng Ninh; 17 giờ, 6/3: Quảng Nam – Thành phố  Hồ Chí Minh; 19 giờ, 7/3: Hà Nội FC - Nam Định; 15 giờ, 8/3: Hà Tĩnh – Viettel; 17 giờ, 8/3: Bình Dương - Đà Nẵng; 17 giờ, 8/3: Thanh Hóa - Hải Phòng; 18 giờ, 8/3: Sài Gòn - Sông Lam Nghệ An

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận