Khi chủ tịch CLB cầm sa bàn chỉ đạo

Những ngày này, sự kiện Chủ tịch Vũ Tiến Thành 'ôm' luôn ghế HLV trưởng của Sài Gòn ở V.League 2020 thu hút sự quan tâm của truyền thông và người hâm mộ.

 

Dưới nhãn quan của các chuyên gia, việc ông Thành cầm sa bàn chỉ đạo cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác huấn luyện ở một giải đấu mà “tuổi chuyên” đã ngót hai thập kỷ.

Mặc dù kết quả ở trận cầu khai mạc mùa giải không tệ (hòa 1-1) nhưng theo khẳng định của Ban lãnh đạo đội chủ sân Thống Nhất: Cựu HLV trưởng Hoàng Văn Phúc đã không hoàn thành chỉ tiêu đề ra (thắng trận mở màn) và quan trọng hơn, cầu thủ nhập cuộc trong trạng thái khá uể oải, thiếu sinh khí; và đó chính là nguyên nhân khiến “tướng Phúc” phải rời băng ghế huấn luyện. “Thời gian gấp gáp nên CLB đành chỉ đạo tôi (tức Chủ tịch Vũ Tiến Thành) tạm thời kiêm nhiệm vị trí HLV trưởng” - ông Thành giải thích.

Trước hết phải thấy rằng, cái gọi là “thời gian gấp gáp” nhiều phần mang ý nghĩa bao biện bởi thực tế nhân sự CLB Sài Gòn lúc này cho thấy: Đội bóng đã và đang có sự phục vụ của trợ lý Phùng Thanh Phương - người từng có thời gian dẫn dắt CLB TP. HCM khi còn thi đấu ở Giải hạng nhất 2014 và là trợ lý số một của HLV Chung Hae Soung khi giành ngôi á quân V.League 2019. Nói cách khác, nếu cần một người cho “đúng chuyên môn”, thậm chí là để hợp thức hóa chuyện bằng cấp, tập thể này hoàn toàn có thể đăng ký Phùng Thanh Phương ở vị trí HLV trưởng còn “thực quyền” chỉ đạo hoàn toàn thuộc về Chủ tịch Vũ Tiến Thành hay bất kỳ một cá nhân khác. Diễn biến sân cỏ quốc nội những năm gần đây cho thấy, không ít đội bóng đã áp dụng chiêu “lách luật” này khi người chính danh HLV trưởng đủ bằng cấp nhưng lại “non” tuổi nghề, ngược lại kẻ toàn quyền về chuyên môn có thừa kinh nghiệm, khả năng nhưng lại “khuyết” tấm bằng chỉ đạo.

Việc ông Vũ Tiến Thành cầm sa bàn chỉ đạo cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác huấn luyện ở V.League.

Điển hình như cựu HLV Lê Thụy Hải - người không có bằng cấp hành nghề tối thiểu. Và để hợp thức hóa sự phục vụ của ông Hải “lơ”, lãnh đạo các đội bóng đã không ngần ngại “nuôi báo cô” một HLV đầy đủ bằng cấp để đối phó với Ban tổ chức, còn ông Hải hoặc ngồi ghế giám đốc kỹ thuật, hoặc giữ chức danh giám đốc điều hành… nhưng thực tế lại là HLV trưởng.

Không phủ nhận chuyện của “giám đốc kỹ thuật” Lê Thụy Hải; ở mức độ cao hơn là việc Chủ tịch CLB Sài Gòn Vũ Tiến Thành công khai tiếp quản băng ghế HLV trưởng ít nhiều cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác nhân sự. Có người còn bày tỏ sự bức xúc khi so sánh với hình ảnh cựu bầu Nguyễn Đức Kiên ở Hà Nội ACB gần 20 năm trước - ông Kiên giành quyền lên đấu pháp, xếp đội hình, “phớt lờ” vị HLV trưởng CLB đang hiện diện kề bên.

Nhưng cũng đừng quên rằng mặc dù mọi vấn đề như giáo án, sơ đồ chiến thuật… đều được vị HLV Lê Thụy Hải áp dụng theo… chủ nghĩa kinh nghiệm nhưng Lê Thụy Hải hiện là một trong những nhà cầm quân giàu thành tích nhất V.League. Tương tự như vậy, ngay trong ngày đầu kiêm nhiệm vai trò HLV trưởng, Sài Gòn FC của “huấn luyện viên Vũ Tiến Thành” đã có chiến thắng tưng bừng (4-1). Cần nói thêm là ông Thành từng làm trợ lý ngôn ngữ cho nhiều đời HLV ngoại của đội tuyển Quốc gia như: Weigang, Colin Murphy và cả Anferd Riedl, Henrique Calisto... Vị chủ tịch họ Vũ thậm chí từng dẫn dắt đội Bưu điện và có thời gian làm trợ lý HLV cho HLV Nguyễn Thành Vinh ở đội Ngân hàng Đông Á.

Ở khía cạnh khác, dăm ba mùa giải trở lại đây, chức vô địch V.League luôn thuộc về những nhà cầm quân không có bằng cấp cao nhất như Chu Đình Nghiêm (Hà Nội FC), Hoàng Văn Phúc (Quảng Nam FC), Mai Đức Chung (B.Bình Dương)… Trong số này, Chu Đình Nghiêm vốn dĩ chỉ quen “làm bóng đá trẻ”, bỗng được lãnh đạo đội chủ sân Hàng Đẫy đặt vào băng ghế chỉ đạo và lập tức giúp đội nhà đăng quang.

Vì lẽ đó có thể khẳng định, ở V.League nhiều khi bằng cấp chỉ là tờ “giấy thông hành” không hơn không kém và quan trọng hơn, chẳng phải phải lúc nào “bằng cấp cao, chứng chỉ nhiều” cũng đồng nghĩa với “dễ tìm việc, có thành tích”./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận