'Vấn đề lớn' hay… chuyện cỏn con!

Thông tin VFF không gia hạn hợp đồng với vị Giám đốc Kỹ thuật người Đức Jurgen Gede là một trong những chuyển động 'nóng' nhất VFF thời điểm này.

 

Về lý thuyết, việc chấm dứt ràng buộc với một GĐKT là “vấn đề lớn” nhưng với làng bóng nước nhà, sự kiện này chẳng gây ra ảnh hưởng, tác động gì đáng kể.

Với đa số người hâm mộ bóng đá Việt Nam, GĐKT là chức danh khá “quen tai” nhưng khó hiểu tường tận. Công việc cụ thể của vị trí này là gì và hoạt động của “ông giám đốc” ra sao luôn chấp chới giữa ranh giới “mơ hồ” và “thực tế”. Để dễ hình dung, có thể tham khảo mục đích công việc của Flick - Giám đốc Kỹ thuật lừng danh của Liên đoàn Bóng đá Đức. Theo người đồng hương của Jurgen Gede, chiến lược cốt tử của ông là “phải làm sao để khi xem đội bóng thi đấu trên sân, người ta phải nhận ra đấy là đội tuyển Đức, chất Đức”!. Điều đó có nghĩa, trong thời gian hành nghề ở dải đất hình chữ S, Jurgen Gede phải góp phần tạo ra một đội bóng mà mọi người “nhìn vào sẽ nhận thấy chất Việt Nam”. Nói cách khác, công việc của Jurgen Gede liên quan trực tiếp đến “thương hiệu”, “hình ảnh” đội tuyển bóng đá quốc gia.

Ấy thế nhưng, diễn biến sân cỏ quốc nội lại cho thấy, vị trí GĐKT không có nhiều ý nghĩa. Một thực tế không thể phủ nhận là các quan chức bóng đá Liên đoàn dành nhiều sự quan tâm cho các tấm huy chương ở sân chơi khu vực, thành tích “ăn xổi” của từng giải đấu, từng nhiệm kỳ hơn là chú trọng gây dựng thương hiệu, hình ảnh. Hãy lấy dẫn chứng từ chuyển động sau đây:

Đầu năm 2016 - thời điểm ông Jurgen Gede còn tại vị - chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia đã “đổi chủ”, từ chiến lược gia Toshiya Miura sang ông Nguyễn Hữu Thắng. Về lý thuyết, cả hai nhà cầm quân này đều phải chọn nhân sự, xây dựng lối chơi theo mô hình của “kiến trúc sư trưởng” Jurgen Gede, từng bước định hình “chất Việt Nam” song trên thực tế, trong thời gian huấn luyện, nhà cầm quân người Nhật Bản tập trung xây dựng lối đá chuyền dài, đua tốc độ, dẫn đến thực tế nhiều cầu thủ đã chấn thương vì không “nuốt” nổi giáo án thể lực. Ngược lại, cựu tuyển thủ Thắng “Nghệ” lại quyết tâm áp dụng lối chơi Tiki-Taka của câu lạc bộ Barcelona (Tây Ban Nha) - lối chơi thiên về kỹ thuật, bật nhả phối hợp nhóm - tức hoàn toàn đối lập với người tiền nhiệm.

Nói cách khác, VFF đã… “dẹp” chiến lược của Jurgen Gede sang một bên; cho các HLV trưởng được toàn quyền “nhào nặn” đội tuyển mà yếu tố quyết định chính là thành tích tại các giải đấu (mục tiêu trước mắt) chứ không phải thương hiệu đội tuyển (mục tiêu chiến lược).

VớVới sân cỏ quốc nội, giám đốc kỹ thuật chỉ là một chức danh cho… đủ thành phần.

Ở cấp độ câu lạc bộ, như chúng ta đã biết, chỉ một số ít đội bóng chuyên nghiệp tại V.League có chức danh GĐKT. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, GĐKT chỉ là “quân bài” để các đội bóng lách luật. Chẳng hạn như với nhà cầm quân Lê Thụy Hải, do ông Hải không có bằng cấp huấn luyện hợp lệ để “chính danh” ngồi ghế HLV trưởng nên nếu muốn sử dụng ông Hải, các CLB (như Thanh Hóa, B.Bình Dương) thường đặt HLV quê gốc Hà Đông vào vị trí GĐKT (thực tế là toàn quyền chỉ đạo về chuyên môn). Đáng nói hơn, bản hợp đồng với “GĐKT Lê Thụy Hải” có khi chỉ kéo dài… vài tháng - quá ngắn ngủi để có thể nói đến chuyện xây dựng “thương hiệu CLB”.

Tóm lại, với sân cỏ quốc nội, GĐKT chỉ là một chức danh cho… đủ thành phần. Và như thừa nhận của một quan chức bóng đá nước nhà, VFF hiện có rất nhiều phòng, ban, đủ để đảm bảo mọi công việc, dù là “việc phát sinh” hay mang tính chiến lược nên rất khó giao việc cho GĐKT.

Cho nên, sự kiện VFF cắt hợp đồng với ông Jurgen Gede là điều không khó để giải thích bởi trên thực tế, ở Việt Nam, vị trí ấy “có thì thừa, không có thì thiếu” và trước mắt, VFF không cần tới chức danh này.

Và quan trọng hơn, nếu như với các nền bóng đá phát triển, thay GĐKT là “vấn đề lớn” đồng nghĩa với thay đổi chiến lược phát triển, “đập đi xây mới” một thương hiệu thì ở xứ ta, đó chỉ là… việc cỏn con bởi như đã nói, do bị chi phối bởi “tư duy nhiệm kỳ” nên mục tiêu hàng đầu của các quan chức VFF là huy chương, là thành tích chứ không phải xây dựng một tập thể đậm “chất Việt Nam”./.

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận