Phe vé náo loạn sân Mỹ Đình: Sự hồi sinh của bóng đá Việt

Hình ảnh hàng nghìn khán giả tập trung trước các quầy vé của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chen lấn, giằng co, xô đẩy…

Hình ảnh hàng nghìn khán giả tập trung trước các quầy vé của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chen lấn, giằng co, xô đẩy… đến mức đạp đổ cả hàng rào sắt mà truyền thông nước nhà đã ghi lại, dù để lại nhiều chuyện chưa vui vẫn có thể xem là một tín hiệu mừng, báo hiệu sự hồi sinh của bóng đá nước nhà.

Bàn về hiện tượng “sốt vé” bóng đá, ông Nguyễn Văn Đệ - người từng có nhiều năm chèo lái con thuyền bóng đá Thanh Hóa - đã có những chia sẻ, đại ý: So với ý nghĩa của một chiến thắng thì ngân khoản thu về không phải là tất cả… nhưng đó là thước đo chính xác, chân thực về sức hút của một đội bóng. Dẫu phải “vắt óc” nghĩ ra nhiều “chiêu” để “chơi” lại đội ngũ “cò vé” (ở sân chơi V.League, ông Đệ ngày nào đã có những sáng kiến như “bán vé theo đợt”, lập các “văn phòng vé” tận các huyện, xã vùng cao để bán trực tiếp cho khán giả) thì người đàn ông tuổi đời ngoại “lục tuần” này vẫn muốn được bận rộn, vất vả hơn là nhàn hạ, “ngồi chơi xơi nước” ngắm các quầy vé vắng vẻ, đìu hiu!

Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam đã nhiều bận lên “cơn sốt”: nào trận chung kết Tiger Cup 1998; nào chung kết SEA Games 2003, chung kết AFF Suzuki Cup 2008; nào trận bán kết lượt về giữa Việt Nam - Malaysia tại AFF Suzuki Cup 2010... Quả thật, chỉ ai từng có mặt tại sân Hàng Đẫy (năm 1998) hay Mỹ Đình những thời điểm ấy mới thấy hết được thế nào là sự hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả đối với môn thể thao vua. Con phố Lê Quang Đạo trước cửa sân vận động Mỹ Đình là địa bàn “làm ăn” của lực lượng phe vé, lên tới hàng trăm người. Họ tràn xuống lòng đường, sẵn sàng mở rộng địa bàn tác nghiệp sang những con phố lân cận (thậm chí là rao bán trên… internet). Tất cả đều ra sức mời mọc, chèo kéo người hâm mộ.

 Một trong những “vụ mùa bội thu” nhất của “nghiệp đoàn cò vé” là trận chung kết Việt Nam - Thái Lan ở kỳ AFF Suzuki Cup cách đây tròn một thập kỷ. Nhu cầu của “thượng đế” tăng lên với tốc độ chóng mặt khiến nhà nhà, người người đổ xô đi làm… “cò”. Trận đấu ấy, mỗi cặp vé, trung bình dân phe “ăn” được cả triệu đồng. Cá biệt có những tấm vé được giới “buôn nước bọt” đẩy lên gấp mười so với giá gốc, song những tín đồ của môn thể thao vua vẫn chấp nhận.

Trở lại chuyển động đang “nóng” trước lượt trận thứ hai của thầy trò HLV Park Hang Seo tại AFF Suzuki Cup 2018 (đối đầu Malaysia lúc 19h30 ngày 16/11/2018): Vé vào sân đã hết từ trước đó nhiều ngày do bị “dân phe” khống chế - kiểm soát cả 3 “kênh” bán vé chính thống. Theo tiết lộ của một “cò vé” chuyên nghiệp, họ đã không ngại tốn kém để thuê một lượng “cộng tác viên” rất đông đảo. Mỗi người một việc, những sinh viên giỏi công nghệ được giao nhiệm vụ “canh” website của Liên đoàn, “đón lõng” số vé bán trực tuyến (online). Những người khác thì cơm đùm cơm nắm, “cố thủ” trước những quầy bán vé trực tiếp nhiều giờ đồng hồ. Số còn lại đưa lượng vé mua được này ra “chợ đen”, đương nhiên là họ hét với mức giá “cắt cổ”.

Việc vé không đến tay người hâm mộ chân chính quả thật đã và đang đặt ra cho VFF những bài toán cần có ngay lời giải về phương thức phát hành. Song không thể phủ nhận: Ở một khía cạnh khác, sự sôi động của thị trường vé “chợ đen” có thể xem như một trong những tiêu chuẩn đánh giá sức hút của đội tuyển bóng đá quốc gia.

Đội ngũ “cò vé” chính là chiếc hàn thử biểu về sự đam mê, cuồng nhiệt mà các CĐV thể hiện. Mà sự đam mê, cuồng nhiệt của CĐV chính là thứ “vàng mười” vô giá không phải đội tuyển hay CLB bóng đá nào cũng có được.

Vậy nên, mong rằng khi sở hữu thứ “vàng mười” này, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ không để “vàng” rơi!

Bình luận

    Chưa có bình luận