Giá cước vận tải đang làm du lịch thua ngay trên sân nhà

Chi phí vận tải cao đang làm giá tour trong nước tăng, giảm sức cạnh tranh của du lịch nội địa.

 

Một trong những hạn chế cần khắc phục của du lịch Việt Nam là các dịch vụ như: lưu trú, thương mại, vận tải,... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối. Trong đó, đặc biệt là chi phí vận tải cao đang làm giá tour trong nước tăng, giảm sức cạnh tranh của du lịch nội địa.

Chi phí di chuyển cao khiến du lịch Việt Nam giảm so với du lịch nước ngoài.

Giá cước vận tải tăng cao

Sức cạnh tranh của du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, lĩnh vực dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, thương mại, tài chính, xây dựng... trong đó, giao thông vận tải có vị trí quan trọng, là yếu tố cốt lõi quyết định thành công của ngành du lịch.

Chi phí cho vận tải của du khách chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng chi phí du lịch, tùy thuộc vào phương thức vận chuyển, nội dung chương trình du lịch, thời điểm thực hiện chương trình du lịch… Theo một nghiên cứu về chi tiêu của du khách vào năm 2019 (trước dịch Covid-19), chi tiêu cho việc di chuyển chiếm 38% tổng chi phí đi du lịch. Do đó, việc lựa chọn phương án tối ưu nhằm giảm chi phí di chuyển là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp du lịch, lữ hành nhằm giảm chi phí tour, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du khách.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chi phí di chuyển cao khiến giá tour trong nước đắt đỏ là nguyên nhân chính khiến du lịch Việt Nam thua ngay trên sân nhà trong cuộc cạnh tranh với các tour du lịch nước ngoài.

Theo ghi nhận tại thị trường trong nước từ đầu mùa du lịch hè 2023 cho đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air và Vietravel Airlines chặng TP.HCM - Phú Quốc vào các ngày cuối tuần có thời điểm cao gấp 2,3 - 2,7 lần giá vé ngày thường, đặc biệt vào những ngày nghỉ lễ.

Cụ thể, giá vé máy bay khứ hồi từ Đà Nẵng, Hà Nội đi Phú Quốc dịp lễ 30/4 trên 10 triệu đồng. Giá vé của hãng bay Vietnam Airlines chặng Đà Nẵng - Phú Quốc dịp lễ 30/4 không dưới 6,5 triệu đồng/chiều, chặng Hà Nội - Phú Quốc ngày không dưới 5,4 triệu đồng/chiều, hơn 10 triệu đồng/vé khứ hồi (đi và về), đã bao gồm thuế, phí.

Ở thời điểm hiện tại khi đã qua kỳ nghỉ lễ, tour combo (gồm vé máy bay, lưu trú) Hà Nội - Phú Quốc 4 ngày 3 đêm được các doanh nghiệp chào giá không dưới 7 triệu đồng, tour trọn gói có giá khoảng 12 triệu đồng. Tour combo TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc 3 ngày 2 đêm có giá không dưới 5 triệu đồng, tour trọn gói có giá không dưới 7,5 triệu đồng.

So sánh mức giá bay khứ hồi này đắt hơn tour du lịch trọn gói Thái Lan trọn gói 5 ngày 4 đêm đang được các doanh nghiệp lữ hành như Vietluxtour, TransViet, BenThanh Tourist, Goldensmile Travel chào bán chỉ từ 6,9 - 7,9 triệu đồng/khách, khởi hành từ TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP.HCM đi Bangkok hoặc Pattaya vào mùa cao điểm. Giá tour du lịch trọn gói Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc của một số đơn vị lữ hành cũng chỉ trên dưới 15 triệu đồng/khách.

Không chỉ giá vé máy bay cao, vé xe openbus tuyến Hà Nội - Ninh Bình, tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu (khoảng dưới 100km) có giá không dưới 200.000VNĐ. Trong khí đó, giá vé openbus tuyến Bangkok - Pataya (khoảng 150km) chỉ có giá 45 bath (khoảng 30.000VNĐ).

Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour, cho biết, giá vé máy bay nội địa cao, các đơn vị lữ hành đã đăng ký, đặt chỗ trước với các hãng bay mùa cao điểm du lịch hè 2023 chịu ảnh hưởng nặng nề. “Hiện giá công ty đặt cọc vé máy bay chặng TP.HCM - Hà Nội đã hơn 4 triệu đồng/khách, cộng thêm các chi phí khác, giá tour du lịch Hà Nội trọn gói khởi hành từ TP.HCM là hơn 9 triệu đồng/khách. Cùng mức giá này, khách có thể chọn du lịch Thái Lan, thậm chí Singapore nếu các doanh nghiệp lữ hành đã đặt chỗ sớm với các hãng bay quốc tế”, ông Dũng so sánh.

Giá cước vận tải đang làm giảm mạnh sức cạnh tranh của du lịch nội địa.

Thua ngay trên sân nhà

Trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt chỉ tiêu, du lịch nội địa lại thua vì giá, các tour xuất ngoại của người Việt bùng nổ mạnh mẽ. Với mức giá khoảng 15 - 20 triệu đồng nếu đi máy bay giá rẻ cho 1 tour du lịch Hàn Quốc, Đài Loan; khoảng 7 - 10 triệu cho 1 tour Thái Lan và mức giá tương tự cho 1 tour đường bộ Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc); khoảng 5 - 7 triệu đồng cho 1 tour Campuchia, Lào… Nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì các tour trong nước.

Mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Việt Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có ít nhất 2 chuyến đi du lịch nước ngoài. Anh Hùng cho biết: “Gia đình tôi cũng thường đi du lịch trong nước, nhưng nhà tôi có nguyên tắc không bao giờ nghỉ lễ trong nước. Cứ lễ là chỗ nào cũng đông, đi lại khó khăn, giá vé máy bay tăng cao mà cũng không dễ mua, ăn không có chỗ ăn, chơi không chen nổi mà chơi, giá cả dịch vụ vào các kỳ nghỉ lễ lại tăng cao trong khi chất lượng dịch vụ thường giảm do khách quá đông. Nếu đi trong nước vào kỳ nghỉ lễ thì phải ở mấy khu cao cấp tách biệt, như thế thì chi phí tính ra còn cao hơn đi mấy nước trong khu vực, mà lại không vui bằng. Vậy nên gia đình tôi thường đi nước ngoài dịp nghỉ lễ, vừa rẻ, lại sang!”.

Tốc độ tăng trưởng thị trường du lịch outbound (đi du lịch nước ngoài) của Việt Nam trong 5 năm qua rất mạnh. Báo cáo mới do Klook.com thực hiện vào tháng 11/2022 tại 9 thị trường, trong đó có Việt Nam mang đến kết quả bất ngờ: Tại Việt Nam, mặc dù 75% người được hỏi lo lắng do những bất ổn kinh tế, dịch bệnh nhưng 79% dự định có nhiều hơn một chuyến du lịch quốc tế vào năm 2023 và 45% dự định ở lại nước ngoài hơn 10 ngày. Trong số những người được hỏi, du khách Malaysia, Singapore và Nhật Bản được xếp hạng cao nhất về chi phí, nhưng người Việt Nam mới là một trong những đối tượng hào hứng đi du lịch nhất với 51% dự định chi tiêu nhiều hơn cho du lịch vào năm 2023.

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, giá tour phù hợp, địa điểm tham quan phong phú, ít xảy ra tình trạng “chặt chém”, nhất là trong mùa cao điểm, chính sách visa ngày càng thông thoáng, thuận lợi chính là yếu tố khiến du khách ưu tiên chọn lựa các tour du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng đông của các hãng hàng không giá rẻ nước ngoài, hoạt động quảng bá của các cơ quan xúc tiến du lịch của nhiều quốc gia khá chuyên nghiệp, sâu sát với thị trường Việt Nam đã có tác dụng kích thích nhu cầu xuất ngoại của du khách nhiều hơn.

Du khách Việt có xu hướng lựa chọn đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước một phần là do tâm lý hướng ngoại

Nhiều chuyên gia cho rằng, du khách Việt có xu hướng lựa chọn đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước một phần là do tâm lý hướng ngoại, mong muốn khám phá nền văn hóa khác biệt, tìm hiểu về những thành phố phát triển trên thế giới. Thêm vào đó, một số nước tích cực xúc tiến quảng bá, kết hợp với nhiều đơn vị lữ hành, hàng không tiến hành các chiến dịch kích cầu, nhờ đó giá tour đến các nước này giảm khoảng 20 - 25% so với 3 - 5 năm trước. Bên cạnh đó, họ còn cung cấp nhiều trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn nên sản phẩm tour có sức cạnh tranh tăng mạnh trong những năm vừa qua.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt chia sẻ: “Một số tour du lịch nước ngoài có mức giá tốt nên du khách có tâm lý thích xuất ngoại hơn. Ví dụ, tour du lịch miền Bắc 5 ngày, giá khoảng 7 triệu đồng. Trong khi đó, với mức giá tầm 6 - 7 triệu đồng là du khách có thể đăng ký tour đi du lịch Thái Lan. Bên cạnh đó, giá vé máy bay, vé tham quan tại các khu du lịch thời gian gần đây liên tục tăng nhưng không đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến nên kéo theo giá tour tăng nhưng chất lượng tour không tăng, vì thế, tính cạnh tranh của du lịch trong nước giảm mạnh”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận