Cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam để chặn dịch tả lợn châu Phi

Mức hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh còn chưa tương thích với giá thị trường đang là những điểm nghẽn cần tháo gỡ trong việc ngăn chặn dịch hiện nay.

 

Dịch tả lợn châu Phi đang có xu hướng lan rộng tại 7 tỉnh, thành phố đồng bằng bắc Bộ. Tuy nhiên mức hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh còn chưa tương thích với giá thị trường đang là những điểm nghẽn cần tháo gỡ trong việc ngăn chặn dịch hiện nay.

          Mức tiêu thụ vẫn không giảm

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Chỉ tính riêng thịt lợn đã chiếm hơn 70% nhu cầu tiêu thụ thịt của cả nước. Mặc dù dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp và ẩn chứa nhiều nguy cơ lây lan, nhưng tại thị trường Hà Nội, tình hình giết mổ và tiêu thụ thịt lợn vẫn bình thường. Giá bán thịt tại các chợ dân sinh cũng như một số siêu thị tiện ích vẫn không có nhiều thay đổi so với thời gian gần đây.

Tại chợ Hôm Đức Viên (Hà Nội), lượng thịt lợn bán ra gần đây không giảm so với những ngày bình thường khi chưa có dịch tả châu Phi bùng phát. Chị Nguyễn Vũ Phương, một tiểu thương bán thịt tại chợ Hôm cho biết, trung bình giá thịt lợn loại ngon vẫn dao động trong khoảng từ 60.000 - 68.000đ/kg, tùy loại.

Là người thường xuyên đi chợ mua thịt, chị Lê Thị Huyền Nga, nhà ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, qua phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua gia đình chị và hàng xóm cũng biết đang có dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành. Nhưng đây là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày nên gia đình chị vẫn mua. “Mình chọn quầy bán thịt quen vẫn mua hằng ngày nên cũng tin tưởng về nguồn gốc xuất xứ”, chị Nga cho hay.

Người dân cần thuân thủ ăn chín, uống sôi để tránh mắc bệnh. (ảnh: Trube)Anh Lê Xuân Mới, chủ một cơ sở giết mổ và chế biến thịt lợn tại Đông Anh, Hà Nội cho biết, những ngày vừa qua cơ sở của anh đã nhận được thông báo phòng dịch và quán triệt chỉ thu mua lợn thịt từ các cơ sở chăn nuôi trong địa bàn huyện và một số xã lân cận. Hiện giá thu mua lợn hơi tại các hộ chăn nuôi dao động từ 40.000 - 43.000đ/kg. “Diễn biến dịch thường xảy ra theo thời tiết từng vùng. Biết trước điều này nên chúng tôi phải cân đối, xem xét nhập lợn về chế biến theo từng vùng, phòng tránh những đàn lợn dịch làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, làm mất uy tín của cơ sở”, anh Mới chia sẻ.

Nhiều biện pháp trong phòng chống dịch bệnh

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương để triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn và phòng ngừa bệnh dịch diễn ra sáng ngày 4/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi vi-rút gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức và khi đã xâm nhập vào đàn lợn là tỷ lệ chết rất cao, thậm chí 100%. Hiện trên thế giới chưa tìm ra vắc-xin phòng, chống. Do đó, nếu không khống chế được thì tổn hại về kinh tế sẽ rất lớn. Trong khi Việt Nam lại có hơn 1.000km biên giới, hàng chục triệu lượt khách du lịch dến mỗi năm…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sở dĩ dịch bệnh lây lan nhanh là do còn có nhiều bất cập trong triển khai phòng, chống dịch bệnh. Tại Việt Nam, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Một nguyên nhân quan trọng khác là giá hỗ trợ cho gia đình có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000đ/kg lợn hơi (thấp hơn so với giá thị trường); thời gian chi trả hỗ trợ chậm vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền nên một số hộ chăn nuôi khi có lợn mắc các dấu hiệu nghi bị dịch tả lợn châu Phi đã không khai báo mà giết thịt để bán ra thị trường hoặc tìm cách tiêu thụ số lượng lớn.

Để tháo gỡ vướng mắc này, tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép nâng mức hỗ trợ lên 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp từ 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy, bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã vì không khả thi; kinh phí lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Thủ tướng yêu cầu các cấp các ngành phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang có xu hướng lan rộng, các địa phương kiến nghị, Chính phủ, Bộ NN&PTNT có biện pháp kiên quyết trong kiểm dịch vận chuyển từ khu vực có dịch sang chưa có dịch, lập chốt kiểm dịch tại con đường độc đạo từ khu vực miền Trung cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam để tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan vào các tính phía Nam.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, biện pháp quan trong nhất trong ngăn chặn dịch lây lan là tiêu hủy đàn lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng phương pháp chôn sâu từ 3-4m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột.

Kể từ khi có ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở Hưng Yên hồi tháng 2/2019, tính đến chiều 4/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 202 hộ chăn nuôi thuộc 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn dịch lan rộng chưa thực sự hiệu quả.

Cách nhận biết thịt nhiễm bệnh

Các chuyên gia lưu ý, để phân biệt được thịt lợn khỏe mạnh, người dân có thể quan sát bằng mắt thường, sẽ thấy thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường. Lợn nhiễm bệnh sẽ có phần bì lấm chấm xuất huyết, nhão, tai lợn bị tím. Đối với những loại thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh, người dân tuyệt đối không nên mua. Ngoài ra, người dân có thể dùng tay để kiểm tra độ đàn hồi của thịt, nếu thịt bị ngón tay ấn vào không bị lõm, không bị dính, rỉ nước và chắc thì đó là thịt khỏe mạnh. Người dân lưu ý chỉ chọn thịt lợn được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi chế biến nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay thịt lợn chưa được chế biến kỹ để tránh mắc bệnh.

P.V tổng hợp

 

Bình luận

    Chưa có bình luận