Làm giàu từ trái thanh long

Hợp tác xã (HTX) thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận là một mô hình HTX năng động, thành công trong sản xuất...

 

Hợp tác xã (HTX) thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận là một mô hình HTX năng động, thành công trong sản xuất, chế biến, kết nối với đơn vị tiêu thụ và quy tụ người nông dân, trở thành điểm sáng của mô hình kinh tế tập thể trên đất thanh long.

Thành công nhờ những nông dân chuyên nghiệp

Thành lập từ tháng 7/2017, HTX thanh long sạch Hòa Lệ lúc ban đầu có 9 thành viên với số vốn 900 triệu đồng. Đến nay, HTX có 12 thành viên với 35ha thanh long, trong đó có 5ha được trồng và chế biến theo tiêu chuẩn GlobalGAP và 30ha VietGAP. HTX còn liên kết với các hộ sản xuất tại địa phương với gần 200ha thanh long đạt chất lượng VietGAP.

HTX thanh long sạch Hòa Lệ có 5ha được trồng và chế biến theo tiêu chuẩn GlobalGAP và 30ha VietGAP

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giá cả hàng hóa nông sản giảm xuống thấp trong thời gian dài, nhưng giá vật tư phân bón tăng cao, việc xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc bị ùn ứ tại nhiều cửa khẩu phía bắc nước ta, làm cho doanh nghiệp, HTX và các hộ dân sản xuất, kinh doanh thanh long bị thua lỗ và lâm vào cảnh khó khăn, khốn đốn. Tuy nhiên, HTX thanh long sạch Hòa Lệ bằng các mối quan hệ giao thương đã liên kết với một số doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch và chủ động khai thác các kênh giới thiệu, quảng bá trực tuyến, livestream trên fanpage, các trang web bán hàng trực tuyến chào hàng, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, vượt qua khó khăn.

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ cho rằng, muốn thành công, cần xoá bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tự phát và manh mún của người trồng thanh long. Cần phải xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để làm ra những sản phẩm chất lượng.

“Hướng đến hình thành vùng sản xuất thanh long lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường rất cần những người nông dân chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp hoá người nông dân là việc cần làm, không thể thay đổi tư duy “một sớm một chiều” nhưng phải bắt đầu từ những việc đơn giản. Đó là bồi dưỡng, tập huấn cho người trồng về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, ghi chép nhật ký sản xuất. Với những người không chuyên sẽ tham gia HTX với vai trò thành viên thụ động, và nhà nước sẽ đào tạo để họ sớm thích nghi với quy mô sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất…”, ông Đỗ Thanh Hiệp chia sẻ.

Tiêu chuẩn, sạch và đa dạng

Theo Ban giám đốc HTX, muốn phát triển hiệu quả và bền vững, bên cạnh việc mở rộng tìm kiếm thị trường chính ngạch, cần phải phát triển sản xuất thanh long theo quy trình sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ cho rằng, muốn thành công, cần xoá bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tự phát

Để áp dụng quy trình canh tác thanh long VietGAP cho ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường, HTX hướng dẫn thành viên tuân thủ những quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, ghi nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực...

Việc bảo đảm các yêu cầu cụ thể về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất tạo điều kiện cho HTX nhanh chóng được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Đây là giấy thông hành giúp thanh long của HTX thâm nhập thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Đáng chú ý, sản xuất theo quy trình VietGAP và tham gia HTX, các thành viên và hộ liên kết đều được hưởng lợi ích. Đó là nông sản hàng hóa ổn định đầu ra, không phải lo điệp khúc “được mùa, mất giá”, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng, thu nhập cao và chất lượng cuộc sống nâng lên, sức khỏe và môi trường nông thôn được đảm bảo.

Trong 6 năm qua (2017 - 2023), vượt qua khó khăn bất lợi sau đại dịch Covid-19, HTX thanh long sạch Hòa Lệ vừa duy trì hoạt động sản xuất để bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 80 lao động với thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, mạnh dạn đầu tư nghiên cứu chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm mới tiêu biểu, có giá trị. Sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của huyện Hàm Thuận Bắc và của tỉnh Bình Thuận.

Việc bảo đảm các yêu cầu cụ thể về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất tạo điều kiện cho HTX nhanh chóng được cấp Giấy chứng nhận VietGAP

Đẩy mạnh quảng bá gắn với du lịch

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận, trong tương lai, với sự phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, các sản phẩm OCOP sẽ là một yếu tố thu hút du khách đến với Bình Thuận thông qua các hoạt động trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa chứa đựng trong từng sản phẩm của địa phương.

Chi cục xác định tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, tạo kênh quảng bá tương hỗ thương hiệu du lịch và các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Bình Thuận đến với du khách thông qua những món quà lưu niệm, những sản phẩm chất lượng khi đến du lịch tại Bình Thuận. Đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để thông tin đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn giới thiệu rộng rãi 2 điểm bán này cho du khách.

Ông Đỗ Thanh Hiệp cho biết, để đa dạng các sản phẩm phục vụ du khách, HTX đầu tư nhà xưởng chế biến với các loại máy móc hiện đại, chế biến các sản phẩm từ thanh long theo quy trình khép kín, sạch và chất lượng. Nhờ vậy, HTX không chỉ bán, xuất khẩu tại chỗ sản phẩm thanh long quả tươi, mà còn có nhiều sản phẩm chế biến từ thanh long đạt chứng nhận OCOP phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.

Hiện HTX đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao là thanh long tươi ruột trắng và 2 sản phẩm OCOP 3 sao là kem thanh long tươi và rượu đế thanh long

“Hiện HTX đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao là thanh long tươi ruột trắng và 2 sản phẩm OCOP 3 sao là kem thanh long tươi và rượu đế thanh long. Bên cạnh đó, hiện HTX còn phát triển nhiều sản phẩm như: trà hoa thanh long, hoa thanh long sấy, thanh long sấy dẻo trắng, thanh long sấy dẻo đỏ, mứt thanh long, nước cốt thanh long trắng, nước cốt thanh long đỏ, rượu vang thanh long, rượu thanh long Men’s… Các sản phẩm đã được đăng ký và trong năm nay sẽ được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP”, ông Hiệp chia sẻ.

Với những gì đã đạt được, HTX Hòa Lệ đã trở thành một trong những mô hình sản xuất thanh long khép kín từ trồng trọt, canh tác, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến và xuất khẩu theo tiêu chuẩn an toàn./.

“Muốn phát huy hiệu quả trong sản xuất, cách khả thi là phải liên kết chuỗi HTX với DN trong nước, DN xuất khẩu đến hộ nông dân và ban ngành, chính quyền địa phương. Trong sản xuất và tiêu thụ cùng bắt tay nhau, đoàn kết mới phát huy được hiệu quả bởi sẽ rất có lợi về mọi mặt như gom diện tích để nhập số lượng lớn vật tư đầu vào, từ đó giảm đáng kể giá thành đầu vào cũng như có kế hoạch để đảm bảo đầu ra sản phẩm không bị thiếu hoặc thừa nguồn cung”.

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận