Làm sống lại nghề dệt thổ cẩm Chiềng Châu

Sau 10 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu đã trở thành bệ đỡ giúp nhiều bà con, chị em phụ nữ trong xã thoát nghèo

 

Sau 10 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (bản Mỏ, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã trở thành bệ đỡ giúp nhiều bà con, chị em phụ nữ trong xã thoát nghèo bền vững.

Sống lại một nghề truyền thống

Bản Lát, Mai Châu, lá cờ đầu của ngành du lịch tỉnh Hòa Bình và là điểm đến đầu tiên trong cả nước phát triển mô hình du lịch cộng đồng, homestay. Đến với Bản Lát, du khách thích thú với vẻ đẹp nên thơ, trữ tình, thơ mộng như câu thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng: “…Mường Lát hoa về trong đêm hơi… Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…”.

Ngày nay, du khách đến với Mai Châu không chỉ bởi sức hấp dẫn của một miền quê sơn cước đẹp như thơ mà còn bị hấp dẫn bởi các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống đa dạng và hấp dẫn, những bộ váy áo đẹp mắt, những món quà lưu niệm độc đáo, hay những sản phẩm thổ cẩm trang trí đa dạng mang đặc trưng riêng của người Thái, là kết tinh từ đôi tay khéo léo của người phụ nữ Thái Chiềng Châu.

HTX dệt thổ cẩm không chỉ là nơi tạo việc làm cho chị em phụ nữ, mà còn là địa điểm tham quan.

Với phụ nữ dân tộc Thái ở Mai Châu, dệt thổ cẩm là một kỹ năng được truyền từ đời này sang đời khác qua các thế hệ trong mỗi gia đình. Vậy nhưng “đã từng có một thời những người phụ nữ Thái ở Mai Châu không dệt nữa. Vải công nghiệp và văn hóa ăn mặc hiện đại của người miền xuôi đã gần như xâm chiếm và làm mai một thói quen dệt vải, thêu thùa của phụ nữ nơi đây”.

HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu chính thức ra đời năm 2013 trên cơ sở tiền thân là tổ nữ công của hội phụ nữ Chiềng Châu thành lập năm 2005. Ở thời điểm đó, nghề dệt thổ cẩm ở Mai Châu đã gần như mai một. Ban đầu HTX được hình thành từ một dự án của tổ chức Jica nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, dạy nghề và giải quyết việc làm cho các lao động nữ ở nông thôn, vùng cao. Chị Vì Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: “Ban đầu có 30 chị em hội phụ nữ được Jica tổ chức dạy thêm nghề may bằng máy công nghiệp và cách tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của thị trường và khách du lịch, kết hợp với nghề dệt thổ cẩm sẵn có của chị em trong hội để sản xuất ra những sản phẩm trên chất liệu thổ cẩm truyền thống”.

“Tiếc nuối khi thấy nghề truyền thống của dân tộc Thái từ thời ông bà truyền lại ngày càng mai một, với quyết tâm khôi phục, phát triển nghề truyền thống và từ sự động viên, ủng hộ của chính quyền huyện, xã, tôi đã kêu gọi thành viên cùng tham gia đóng góp, huy động nguồn lực thành lập HTX. Năm 2013, HTX được thành lập với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng”, chị Oanh chia sẻ.

Chị Vì Thị Oanh bên khung dệt truyền thống của người Thái.

Đến nay, HTX có nhà xưởng trên diện tích đất rộng hơn 300m2 tại xã Chiềng Châu. HTX có 14 máy may, hơn 40 khung dệt với 20 nhân công làm việc chính tại xưởng và 100 nhân công làm việc bán thời gian. Thu nhập trung bình của chị em dao động từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Chị Oanh cho biết, để có được xưởng dệt, may và thu hút chị em phụ nữ đến tham gia làm việc là quá trình rất dài. Trước đây, chị em trong xã hầu như bỏ nghề dệt đến làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, hoặc đi làm ăn xa, bởi thu nhập từ nghề không bảo đảm. Những chị em vẫn duy trì nghề dệt gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, đổi mới kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Trước kia, thổ cẩm chỉ bó gọn trong các sản phẩm may mặc như chăn, màn, khăn, gối, quần áo... thì giờ đây, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu đã có thêm nhiều sản phẩm đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng với nhiều loại sản phẩm như: túi xách, giày, dép, thú nhồi bông, quà lưu niệm nhỏ, khăn trải bàn, các sản phẩm thổ cẩm trang trí nội thất... Trong sáng tạo sản phẩm, HTX kế thừa, phát huy những tinh hoa trong hoa văn thổ cẩm truyền thống. Điểm nổi bật là thổ cẩm của HTX vẫn được làm từ chất liệu vải sợi bông tự nhiên, tuân thủ phương pháp sản xuất bằng tay từ kéo sợi, nhuộm màu đến dệt vải, đòi hỏi sự kỳ công. Máy móc chỉ hỗ trợ ở công đoạn hoàn thiện sản phẩm.

“Nguồn nhân lực có, nhưng hiện nay HTX đang gặp khó khăn do diện tích nhà xưởng hạn chế, đất mở thêm xưởng gặp khó khăn, không có đất để thuê. Khó khăn nhất hiện nay là làm sao có thêm nhiều xưởng may, dệt, để có thể tạo được nhiều việc làm cho chị em trong xã”.

Chị Vì Thị Oanh

Hướng đi mới cho mô hình không mới

Mô hình kinh tế tập thể đã có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và quyết tâm bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu đã không ngừng tìm kiếm hướng đi mới tiếp cận thị trường, sáng tạo nên những sản phẩm mới cho thổ cẩm truyền thống không chỉ đem lại những lợi ích về kinh tế hay giải quyết các vấn đề lao động. Hơn thế, thành công từ mô hình còn góp phần lớn lao cho việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc của cộng đồng người dân tộc Thái ở vùng cao Tây Bắc.

Sản phẩm thổ cẩm của HTX luôn đi đầu về chất lượng và số lượng.

Mong muốn phát triển, đưa tên tuổi thổ cẩm của huyện nói chung và của HTX nói riêng vươn ra nhiều thị trường mới, nhất là thị trường nước ngoài, từ năm 2020, HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 2 dòng sản phẩm là hàng may mặc và quà lưu niệm. Chị Vì Thị Oanh cho biết: Hy vọng thổ cẩm sản xuất tại quê hương đứng vững trên thị trường với những mẫu mã, sản phẩm ngày càng phong phú, bắt mắt, tính ứng dụng cao, do đó, HTX không ngừng sáng tạo, thiết kế ra những sản phẩm mới, phù hợp thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng hiện đại. Trong dòng sản phẩm may mặc, HTX tạo ra bộ trang phục dân tộc Thái cách tân của cả nam và nữ. Dòng sản phẩm quà lưu niệm cũng được chia thành 2 bộ dành cho nam và nữ, mỗi bộ đều gồm 4 chi tiết gồm: túi xách hoặc túi đựng laptop, ví, túi đựng điện thoại, bọc sổ tay.

Ông Trần Mạnh Tân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Châu, cho biết: Trong năm 2020, các sản phẩm thổ cẩm dệt tay của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là cơ hội để HTX tiếp tục phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường và cũng là cơ hội để các HTX, đơn vị dệt thổ cẩm khác trên địa bàn có hướng đi đúng đắn, đưa thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch. Bởi từ khi thành lập đến nay, các sản phẩm thổ cẩm của HTX luôn luôn đi đầu về chất lượng cũng như số lượng đơn đặt hàng vì có kỹ thuật cao.

Bên trong xưởng may bằng máy may công nghiệp của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu

Với những nỗ lực, cố gắng và không ngừng đổi mới, những năm gần đây, doanh thu hằng năm của HTX không ngừng tăng, từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng và hiện nay là 3 tỷ đồng. HTX dệt thổ cẩm không chỉ là nơi tạo việc làm cho chị em phụ nữ, mà còn là địa điểm tham quan cho các em học sinh trong huyện và một số tỉnh. Thông qua những chuyến tham quan trải nghiệm, các em học sinh hiểu thêm hơn về nghề truyền thống, biết về thổ cẩm dân tộc và lưu giữ để không bị mai một.

Nói về dự định trong thời gian tới, chị Oanh chia sẻ, định hướng phát triển của HTX là gắn với phát triển du lịch địa phương, kết hợp mô hình homestay với trải nghiệm thực tế. Từ đó, khách du lịch đến tham quan nhiều hơn, những tấm vải thổ cẩm có thể quảng bá ra thị trường nước ngoài./.

“HTX của bà Vì Thị Oanh đã tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ địa phương, mang lại diện mạo mới cho xã Chiềng Châu. Bà là tấm gương tiêu biểu điển hình cho chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và giúp người dân có cuộc sống ngày càng ấm no”.

Ông Hà Văn Tiệp Chủ tịch xã Chiềng Châu

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận