Mô hình mới ở Hợp tác xã nông nghiệp xanh Amo

Hợp tác xã nông nghiệp xanh Amo phát triển theo mô hình HTX kiểu mới, tự chủ và kết nối chặt chẽ với nhau trong các mảng kinh doanh

 

Hợp tác xã nông nghiệp xanh Amo phát triển theo mô hình HTX kiểu mới, tự chủ và kết nối chặt chẽ với nhau trong các mảng kinh doanh, không làm ồ ạt mà có sự liên kết tạo hệ sinh thái tự hỗ trợ nhau.

Học để khởi nghiệp

Đến bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La, hỏi về HTX Nông nghiệp xanh Amo thì ai cũng biết. HTX do Giàng A Dạy, sinh năm 1993, người dân tộc Mông đứng ra thành lập. HTX Amo ra đời không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho thanh niên địa phương mà còn mở ra cách làm mới, khơi dậy tinh thần thoát nghèo của người dân ở vùng đất còn nhiều gian khó này.

Thành công của HTX Amo đã thay đổi tư duy làm kinh tế của nhiều người dân tộc thiểu số.

Giàng A Dạy tốt nghiệp trường Đại học Tây Bắc. Khi đang là sinh viên năm cuối Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Bắc, biết có chương trình tu nghiệp khởi nghiệp tại Israel, A Dạy đã đăng ký tham gia. 11 tháng làm việc trên đất khách đã làm anh thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp.

“Vì là chương trình học bổng mở cho nên vé máy bay và chi phí làm thủ tục đi về học viên phải tự lo. Bố mẹ tôi suốt đời sống quẩn quanh ở bản, thu nhập chính là mấy con bò và rẫy ngô nên không có tiền đi học. Tuy nhiên, với ý nghĩ đây là cơ hội hiếm có để tiếp cận nền nông nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới như Israel, tôi quyết về bản tìm mọi cách thuyết phục bố mẹ vay mượn tiền để thực hiện ước mơ của mình”, A Dạy chia sẻ.

Năm 2017, Giàng A Dạy tham gia cuộc thi Khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa

Ở Israel, việc dùng nhà lưới, nhà kính rất phổ biến ở các trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Trong khoá học, A Dạy được thực hành tại một mô hình như thế. Mỗi tuần chỉ một ngày đến trường học lý thuyết, thời gian còn lại anh không ngại khó, ngại khổ lăn lộn trong trang trại, không nề hà việc gì. A Dạy học được rất nhiều thứ, từ tìm hiểu cơ chế vận hành các loại máy móc cơ khí trong nông trại, đến cách trộn giá thể ươm, trồng, cách ủ phân bón vi sinh... “Ở một nơi toàn sa mạc với cát, điều kiện đất đai thổ nhưỡng của họ không thuận lợi bằng Việt Nam, vì sao Israel có bước đột phá thành một quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại đến vậy? Tôi cứ suy nghĩ và âm thầm tìm kiếm câu trả lời qua một năm quan sát, trải nghiệm và lao động ở đó”, Giàng A Dạy bày tỏ.

Hợp tác xã kiểu mới

Tháng 8/2016, trở về nước, A Dạy bắt tay tiến hành trồng rau hữu cơ ở xã Mường Bon với mong muốn cung cấp sản phẩm không chỉ tại Sơn La, mà còn vươn ra thị trường ngoài tỉnh. “Thời điểm đó, sau khi trừ các khoản vay, tôi tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng trong quá trình tu nghiệp cùng tấm bằng cử nhân Quản trị kinh doanh nên rất háo hức trở về thực hiện ước mơ của mình, triển khai dự án làm trang trại”, A Dạy bày tỏ.

Với 3.000 m2 rẫy ban đầu “mượn” của gia đình và số vốn hơn 100 triệu đồng, chàng trai người Mông đã nhanh chóng phủ xanh khu rẫy ngô bao đời của gia đình bằng thảm rau hữu cơ mướt mắt. Sau một thời gian thử sức với rau, A Dạy tiếp tục với mô hình nuôi bò lai Sind. Rẫy lại được phủ xanh bạt ngàn cỏ và chuối rừng, thức ăn yêu thích cho đàn bò.

Tháng 8/2016, trở về nước, A Dạy bắt tay tiến hành trồng rau hữu cơ ở xã Mường Bon.

Năm 2017, Giàng A Dạy tham gia cuộc thi Khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa, do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp và Trung ương Đoàn đồng tổ chức. Anh được gặp gỡ, tiếp xúc, học hỏi từ những chuyên gia, nhà khoa học không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tận tâm trách nhiệm trong việc tư vấn định hướng cho lớp trẻ khởi nghiệp. Từ đó, A Dạy càng thêm vững tin cho dự định của mình.

Tiếp nối thành công bước đầu, tháng 10/2018, Giàng A Dạy thành lập HTX Nông nghiệp xanh Amo với 42 thành viên là đoàn viên thanh niên địa phương, vốn điều lệ 1 tỷ 900 triệu đồng, canh tác trên diện tích đất rộng 45ha với nhiều loại nông sản như: Bưởi, nhãn, xoài, chanh leo, mận hậu, na, chuối, bơ, thanh long, cây dược liệu, rau các loại kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

“Amo ra đời nhằm tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong HTX và người dân quanh vùng với cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm nông sản của xã viên. HTX đã tập hợp được nhiều hộ dân, mỗi hộ có từ 3 - 10 con bò. Ngoài ăn cỏ, bò được cung cấp thức ăn bổ sung ủ chua theo công nghệ tự nhiên, không sử dụng men vi sinh mà tôi học được từ Israel. Cuối tháng 7/2019, HTX đã tìm ra một thung lũng với đồng cỏ rộng lớn, đủ để thả nuôi 500 con bò”, A Dạy chia sẻ.

Thành công của của HTX Nông nghiệp xanh Amo đã góp phần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của những đoàn viên thanh niên người dân tộc, để rồi chính họ truyền lại kinh nghiệm trồng trọt chăn nuôi những loại cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cho gia đình, cộng đồng để cùng nhau phát triển.

Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La nhận định: Những thành công của HTX Amo là minh chứng rõ nét của tinh thần trẻ, kiên trì theo đuổi mục đích, sáng tạo trong lao động, gắn kết, chia sẻ để cùng nhau đi đến thành công. Liên minh HTX tỉnh đang chủ động phối hợp với Tỉnh Đoàn và các cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị, hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện tối đa để các bạn trẻ phát huy điểm mạnh của kinh tế tập thể và phát triển tốt hơn./.

“Hiện nay, HTX nông nghiệp xanh Amo đang xây dựng lại mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, HTX hiện đang ổn định lại sản xuất, bao quát lại các khâu đang triển khai. Vì lĩnh vực du lịch là lĩnh vực mới của HTX nên chúng tôi vừa làm vừa quan sát, học hỏi, điều chỉnh, khoảng lặng do dịch bệnh thật sự quý giá đối với chúng tôi”,

Giàng A Dạy cho biết.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận