HTX H’Mông Cát Cát: Thành công nhờ thế mạnh địa phương

Sau 10 năm gắn bó với nghề chiết xuất tinh dầu dược liệu, Hợp tác xã H’Mông Cát Cát thành công nhờ khai thác thế mạnh địa phương là cây Màng Tang

 

Sau 10 năm gắn bó với nghề chiết xuất tinh dầu dược liệu, Hợp tác xã H’Mông Cát Cát (bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thành công nhờ khai thác thế mạnh địa phương là cây Màng tang, Chù dù và các loại dược liệu trong bài thuốc tắm của người Dao bản địa, tạo được chỗ đứng cho thương hiệu sản phẩm nhờ gắn kết với hoạt động du lịch.

Mô hình điểm khởi nghiệp

Hợp tác xã (HTX) H’Mông Cát Cát đã trở thành mô hình điểm tại Sa Pa. Với gần 20ha dược liệu để sản xuất tinh dầu, Má A Nủ, Giám đốc HTX H’Mông Cát Cát (bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) luôn luôn băn khoăn làm thế nào để xây dựng được nguồn nguyên liệu bền vững, bởi sản phẩm do HTX làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường do thiếu nguyên liệu.

Hợp tác xã (HTX) H’Mông Cát Cát đã trở thành mô hình điểm tại Sa Pa.

Hơn 5 năm khởi nghiệp với nghề chưng cất tinh dầu dược liệu, Má A Nủ đã khẳng định được chỗ đứng cho thương hiệu sản phẩm của mình. Kể về cơ duyên đến với nghề chưng cất tinh dầu dược liệu, Má A Nủ cho biết: “Năm 2013, anh tôi và bạn của anh ấy mang một nồi chưng cất tinh dầu nhỏ về bản, tôi cũng phụ giúp anh nấu tinh dầu. Sau một thời gian ngắn, anh tôi không làm nữa, tôi đã thay anh chưng cất tinh dầu và nghiên cứu các sản phẩm mới, đó là những bước đầu tiên trên con đường khởi nghiệp với nghề chưng cất tinh dầu từ dược liệu”.

“Sa Pa có rất nhiều loại thảo dược quý, trong đó cây Màng tang, Chù dù và các loại thảo dược trong bài thuốc tắm của người Dao đỏ vừa có dược tính tốt, vừa có giá trị kinh tế cao, giúp chữa bệnh, làm đẹp, nguyên liệu lại dồi dào. Từ lợi thế này, HTX quyết tâm hoàn thiện sản phẩm từ các loại dược liệu trên làm lợi thế cạnh tranh, tinh dầu Màng tang và tinh dầu Chù dù cũng là sản phẩm đặc trưng của HTX H’Mông Cát Cát”, Má A Nủ cho biết.

Phát huy thế mạnh của địa phương để làm du lịch

HTX H’Mông Cát Cát có vị trí ở trung tâm của một địa danh du lịch nổi tiếng, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của huyện Sa Pa. Tận dụng lợi thế này, HTX H’Mông Cát Cát đã định hướng sản xuất sản phẩm từ dược liệu theo tiêu chuẩn OCOP kết hợp với làm du lịch, thông qua hoạt động du lịch để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, khai thác tối đa lợi thế địa phương để phát triển.

Má A Nủ không chỉ là người thành lập và khởi nghiệp thành công mà còn là người có công phát triển nghề trồng cây dược liệu

Đến với HTX H’Mông Cát Cát, dường như ở bất cứ nơi nào trong HTX cũng phảng phất hương thơm của các loại thảo dược, các tủ trưng bày giới thiệu sản phẩm, nơi sơ chế nguyên liệu, khu vực chưng cất tinh dầu... cho đến các khu vực nghỉ ngơi của du khách sau khi tham quan quanh bản đều có các kệ hàng, giá kê sản phẩm, để du khách tham khảo, lựa chọn…

Má A Nủ cho biết: Ngay từ những ngày đầu theo nghề chiết xuất tinh dầu, HTX đã ấp ủ xây dựng nghề chiết xuất tinh dầu Chù dù, Màng tang để làm sản phẩm du lịch. Công đoạn chiết xuất tinh dầu Chù dù và Màng tang thời gian này hoàn toàn làm thủ công, theo phương pháp chiết xuất hơi nước. Sản phẩm khi đưa ra thị trường được du khách ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ những thành công bước đầu, năm 2014, với sự hỗ trợ của Quỹ Khuyến công Lào Cai, HTX đã đầu tư thiết bị hiện đại trị giá 300 triệu đồng, giúp việc chiết xuất tinh dầu đạt chất lượng và tiện lợi hơn. Việc quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, cuộc thi sở hữu trí tuệ cũng được HTX đẩy mạnh. Bao bì, mẫu mã sản phẩm được thiết kế bắt mắt, mang đậm bản sắc văn hóa Mông và thân thiện với môi trường. Trong quá trình phát triển, HTX đã nghiên cứu nhiều loại thảo dược của địa phương để đưa ra các sản phẩm mới và đến nay có 3 nhóm sản phẩm chính là tinh dầu thiên nhiên các loại, muối ngâm chân thảo dược, xà phòng tự nhiên...

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Má A Nủ cho biết: HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, cũng như nghiên cứu và cho ra nhiều sản phẩm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở Sapa. Hiện thị trường các sản phẩm dược liệu của HTX H’Mông Cát Cát đã từng bước được mở rộng ra một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… riêng thị trấn Sapa có 3 điểm. Thu nhập trung bình của thành viên trên 5 - 7 đồng/người/tháng.

Giúp người dân thoát nghèo bền vững

Ngoài việc hướng dẫn người dân thu hái các loại cây, cỏ dược liệu, Má A Nủ còn hướng dẫn người dân các thao tác, quy trình để tạo ra sản phẩm tinh dầu có chất lượng tốt nhất, vừa có thể làm tại xưởng của anh mà vẫn có thể làm thêm ở nhà.

Ngoài hoạt động kinh doanh, Má A Nủ còn mong muốn bảo tồn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình

Đối với bà con nơi đây, Má A Nủ không chỉ là người thành lập và khởi nghiệp thành công với xưởng chưng cất tinh dầu dược liệu đầu tiên mà còn là người có công khi góp phần phát triển nghề trồng cây dược liệu tại xã San Sả Hồ.

Từ việc gây dựng HTX H’Mông Cát Cát, Má A Nủ mong rằng có thể giúp đỡ được nhiều người dân địa phương cùng phát triển. “Hy vọng HTX H’Mông Cát Cát sẽ là một cơ hội tốt đối với các bạn người dân tộc như mình. Tôi muốn chứng minh rằng, chỉ cần bạn quyết tâm, nỗ lực cộng với sự tính toán có nghiên cứu, chắt lọc thì bạn sẽ thành công”, Má A Nủ chia sẻ.

Ngoài hoạt động kinh doanh, Má A Nủ còn mong muốn bảo tồn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Anh đã cùng với những người bạn trong HTX tổ chức những lớp học, dạy các trò chơi, điệu múa truyền thống của người H’Mông. Má A Nủ cũng thành lập quỹ hỗ trợ cộng đồng, trích 5% giá trị mỗi sản phẩm bán ra, góp vào quỹ để hỗ trợ những hoàn cảnh trẻ em khó khăn trên địa bàn, đồng thời mở các lớp dạy chiết xuất dược liệu cho trẻ em.

Từ sự thành công của Má A Nủ, những thanh niên dân tộc thiểu số sẽ có đủ sự tự tin để làm giàu trên chính quê hương mình. Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho người dân./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận