Vẫn khó khăn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tâm lý ngại đòi hỏi khiến nhiều người bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình khi thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày một phức tạp.

 

Thời gian qua, thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn biến ngày một phức tạp. Tâm lý tránh phiền phức, ngại đòi hỏi đã khiến nhiều người tiêu dùng bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình.

Vẫn khó kiểm soát

Gần đây, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Điển hình đầu năm nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn, phát hiện hơn 1.200kg phụ phẩm bò với 3 thùng nhựa lớn đựng xách bò đen, bốc mùi; Hay vụ việc lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển gần 2 tấn nầm lợn không rõ nguồn gốc. Gần đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phát hiện 11 tấn dạ dày, lòng lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mới nhất là vụ việc dư luận đang hết sức quan tâm khi nhiều thông tin về trường mầm non Thanh Khương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sử dụng thực phẩm không đảm bảo.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp trong việc kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhưng người tiêu dùng vẫn khó nhận biết mức độ an toàn của các loại thực phẩm. Việc không tin tưởng, lo ngại thực phẩm bẩn, kém chất lượng là tâm lý chung của không ít người tiêu dùng. Và lo lắng đó là có cơ sở khi vẫn còn phổ biến tình trạng bày bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chị Ngọc Quỳnh (ở Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết, chưa bao giờ việc đi chợ lại trở nên khó khăn với người nội trợ như hiện nay. “Mỗi khi lựa chọn thực phẩm, dù người bán khẳng định là thực phẩm an toàn nhưng tôi vẫn thấy lo lắng và không yên tâm khi xã hội liên tục có thông tin thực phẩm bẩn”, chị Quỳnh chia sẻ.

Thực phẩm bẩn tràn lan khiến việc kiểm soát của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: internet)Không chỉ lo về vấn đề VSATTP mà người tiêu dùng hiện nay còn chịu nhiều rủi ro khi thực hiện các phương thức giao dịch. Do tâm lý còn e ngại, chưa ý thức được việc tự bảo vệ quyền lợi nên nhiều người tiêu dùng bỏ qua khi bị xâm phạm. Anh Nguyễn Duy Anh, sống tại phố Lạc Trung, Hà Nội phản ánh về chiếc điện thoại được quảng cáo rất tốt và nhiều công dụng, tuy nhiên khi anh mua về sử dụng thì liên tục hỏng.

Tôi thấy giới thiệu điện thoại trên mạng rất chi tiết, giá rẻ hơn thị trường nên mua về. Nhưng thời gian đầu sử dụng đã liên tục bị ngắt màn hình. Tôi đến cửa hàng phản ánh thì nhân viên bảo màn hình không có trong danh mục bảo hành. Tôi đành bỏ tiền thay màn hình khác”, Nguyễn Duy Anh bực mình cho biết.

Nhiều bất cập trong quản lý

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, trong năm ngoái, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng liên quan đến các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít trường hợp, người tiêu dùng không cung cấp được các bằng chứng xác thực việc bị vi phạm quyền lợi, điều này khiến các điều tra viên rất khó trong việc phát hiện kiểm tra và xử lý vụ việc.

Bên cạnh việc nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý ngại khiếu nại, ngại thủ tục, sợ tốn thời gian và chi phí, chưa chủ động trong thực thi quyền của mình, thì vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực hiện bảo về quyền lợi của người tiêu dùng. Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho rằng, vẫn thiếu những cơ chế thực sự cạnh tranh trên thị trường để người tiêu dùng được phục vụ tốt hơn. Thị trường bán lẻ rất phong phú, đa dạng nhưng thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng khó chọn được sản phẩm đúng với giá trị sử dụng.

“Cơ quan quản lý phải kiểm soát thị trường để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh trên thị trường bán lẻ. Phải xử lý nghiêm các đơn vị làm ăn kém, công khai đơn vị làm ăn tốt, mới bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm nay và các địa phương đều triển khai tốt các chương trình về "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam", tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập về cơ sở pháp lý, nhận thức, sự quan tâm và hiệu lực, hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động này. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và chính người tiêu dùng phải luôn nỗ lực, chủ động nâng cao nhận thức, trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

“Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” tiếp tục được lựa chọn là chủ đề chính của các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập về cơ sở pháp lý, nhận thức, sự quan tâm và hiệu lực, hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động này.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận