Cần nới lỏng chính sách thị thực

Với mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, việc mở rộng chính sách miễn thị thực đang là vấn đề được giới chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm.

 

Với mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, việc mở rộng chính sách miễn thị thực đang là vấn đề được giới chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm.

Nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách mới

Thời gian qua, để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến của du khách quốc tế, nhiều chính sách đã được áp dụng, trong đó phải kể đến chính sách thị thực (visa) thông thoáng hơn, được áp dụng từ giữa tháng 8/2023.

Trong Chỉ thị số 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững vừa ban hành cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày... Đồng thời, nghiên cứu mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (6 - 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 - 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.

Chính sách visa thông thoáng giúp lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng.

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO chia sẻ: “Việc nới lỏng chính sách visa tạo điều kiện để các công ty lữ hành Việt Nam thiết kế sản phẩm du lịch thêm đa dạng, hấp dẫn; tăng cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, mang lại lợi ích lâu dài cho ngành du lịch”.

Đề cập vấn đề này, đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết, Thái Lan từng áp dụng miễn thị thực 30 ngày, sau đó là 60 ngày, 90 ngày và hiện tại là 108 ngày. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ cũng linh hoạt nới lỏng chính sách về visa để cạnh tranh thu hút khách du lịch. Đại diện Sun Group đề xuất tăng thời hạn visa du lịch từ 90 ngày lên 180 ngày, đồng thời cho phép nhập cảnh nhiều lần để khách có thời gian đi du lịch và chi tiêu nhiều hơn.

Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours, chính sách nới lỏng visa không những hỗ trợ tích cực giúp tăng lượng khách du lịch, mà còn tạo thuận lợi cho giới doanh nhân, nhà đầu tư… đến Việt Nam xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Nới lỏng để cạnh tranh

Nói về những lợi ích mà chính sách nới lỏng visa mang lại cho ngành du lịch, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho biết, với thủ tục đơn giản, thuận tiện, đồng thời nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày đã làm tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút du khách lựa chọn điểm đến, góp phần mở rộng thị trường và gia tăng lượng khách. “Việc nới lỏng chính sách visa góp phần làm cho sản phẩm du lịch từ các công ty lữ hành Việt Nam tổ chức thêm đa dạng và hấp dẫn. Đồng thời, tăng cường cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, mang lại lợi ích lâu dài cho ngành du lịch” - ông Trương Quốc Hùng chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên nêu ví dụ: Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cũng linh hoạt nới lỏng chính sách về visa. “Trong xu thế cạnh tranh thu hút khách du lịch với các quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan thì việc mở rộng những nước được miễn visa và nới thêm thời gian miễn thị thực sẽ tạo thông thoáng hơn trong thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam”, ông Trần Trọng Kiên bày tỏ.

Nới lỏng chính sách visa góp phần làm cho sản phẩm du lịch thêm đa dạng và hấp dẫn

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách sẽ là cơ hội cho DN đẩy mạnh phát triển du lịch một cách bền vững. Đây không chỉ là mong muốn của DN mà cả của ngành du lịch Việt Nam để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến với chúng ta.

Tăng thời hạn visa du lịch từ 90 lên 180 ngày, đồng thời cho phép nhập cảnh nhiều lần để khách có thời gian đi, chi tiêu nhiều hơn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch cần thời gian dài. “Hiện nay, chúng ta cho xuất nhập cảnh nhiều lần, khách có thể đi vòng cung, từ Việt Nam sang các nước trong khu vực, sau đó quay trở lại Việt Nam. Với hành trình tour như thế, các hãng hàng không Việt Nam thuận lợi hơn trong việc đưa khách đến Việt Nam và đưa khách từ Việt Nam trở về nước. Hơn nữa, khách thường mua sắm rất nhiều ở mỗi cuối hành trình nên khách kết thúc tour ở Việt Nam sẽ thuận lợi trong tăng doanh thu dịch vụ, thương mại”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường đề xuất.

Tranh thủ thời cơ

Mới đây, cẩm nang du lịch Mỹ Travel Off Path đánh giá, Việt Nam là điểm đến an toàn nhất châu Á. Bên cạnh đó, với nỗ lực quảng bá, xúc tiến thời gian qua, Việt Nam hiện là thị trường được du khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng như Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng mức đã đạt được của năm 2019, tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực.

“Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 và kỳ vọng sẽ có sự bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2024. Do đó, các địa phương, đơn vị cần có chiến lược xây dựng điểm đến, sản phẩm mới, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để tiếp tục thu hút du khách từ thị trường truyền thống và mở rộng tới những thị trường tiềm năng”.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn, song lượng khách quốc tế vẫn tăng cao trong dịp Tết. Đây là tín hiệu mừng để ngành du lịch đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động đón khách, phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 như kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.

Với những chủ trương và quyết sách đúng đắn của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực của doanh nghiệp, đây là thời điểm để du lịch Việt Nam bứt phá mạnh mẽ, lấy lại vị thế và sức cạnh tranh bền vững trên bản đồ du lịch quốc tế./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận